Cho vay tín chấp: Ngân hàng cần năng lực, DN phải… bản lĩnh
25/08/2014 16:52:04
Khuyến khích các TCTD cho vay tín chấp là chủ trương của NHNN, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, việc thay đổi từ “thói quen” cho vay có bảo đảm sang hình thức này phụ thuộc nhiều vào tính thuyết phục về hiệu quả phương án vay vốn của người vay. NHTM sẽ nhìn vào đó để đánh giá và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng của mình.

Xu hướng tăng tốc xuất hiện
 
Bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Bảo Minh có quan hệ tín dụng lâu năm với Sacombank cho biết, doanh thu mỗi năm của Công ty Lê Bảo Minh từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng của công ty đạt 30%/năm, lãi ròng trung bình 2%/năm. Tăng trưởng tốt vậy nhưng theo bà Hải, tài sản sinh ra không kịp để đáp ứng nhu cầu vay thế chấp. Vì thế, những DN làm ăn tốt từ trước đến nay đều có các khoản vay tín chấp. Chỉ có điều, lãi suất cho vay tín chấp áp dụng cho mỗi DN khác nhau, tùy thời điểm và tùy mức độ tín nhiệm của DN.
 
“Gần 20 năm hoạt động, công ty đều vay song song hai hình thức thế chấp và tín chấp. Vấn đề của mỗi DN là làm sao điều chỉnh được những khoản vay tín chấp đó phù hợp với kế hoạch kinh doanh. Biết vay tín chấp lãi suất cao nên chúng tôi cập nhật lãi suất hàng tuần. Nếu cảm thấy lãi vay tăng cao gây áp lực lên lợi nhuận thì ngay lập tức chúng tôi chủ động thanh lý hợp đồng sớm, chờ lãi suất mới thấp hơn rồi mới vay lại. Ngân hàng sẽ không tính phí phạt trả trước mà còn hỗ trợ những khoản vay mới lãi suất thấp hơn. Cả DN và ngân hàng đều biết tự linh động thì sẽ không có rào cản nào”, bà Hải chia sẻ.

 
Điều quan trọng là ngân hàng có người đủ giỏi để thẩm định hay không?

Những trường hợp khó nhất để đáp ứng đủ điều kiện vay tín chấp là đối với DN không có nền tảng kinh doanh vững và khả năng trả nợ không có. Ngược lại, đối với những DN tốt, các ngân hàng vẫn mở cửa cho vay tín chấp, thậm chí còn giải ngân rất nhiều đối với những DN có tiềm lực vững, có uy tín… thông qua nhiều hình thức khác nhau.
 
Thừa nhận điều này, ông Lê Trung Hậu, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) nói rằng, việc cho vay tín chấp không tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc thẩm định, nhưng điều đó không có nghĩa là ngân hàng không thể cho vay tín chấp. Đơn cử, ở lĩnh vực nông nghiệp, việc cho vay tín chấp phức tạp hơn rất nhiều so với DN sản xuất kinh doanh, nhưng Agribank trong 6 tháng đầu năm nay đã cho 4.000 hộ nông dân vay tín chấp với số tiền giải ngân khoảng 200 tỷ đồng.
 
Ở góc độ rộng hơn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng chương trình kết nối ngân hàng với DN, tính đến ngày 10/7 lượng vốn mà các ngân hàng cho DN vay không tài sản đảm bảo chiếm khoảng 17 - 18% trên tổng dư nợ, vào khoảng 15.670 tỷ đồng. Theo ông Minh, dự kiến đến cuối năm nay, chương trình tín dụng này sẽ đạt khoảng 27.000 - 28.000 tỷ đồng dư nợ.
 
DN có dám mạo hiểm
 
Không phải chỉ khi NHNN có văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH thì các TCTD mới đẩy mạnh cho vay tín chấp, mà trên thực tế số lượng DN được vay tín chấp thời gian qua không phải là ít. Chỉ có điều, suốt thời gian qua việc cho ai vay và quy định lãi vay như thế nào được áp dụng đối với từng DN, từng ngân hàng, từng thời điểm... Chính điều này tạo nên dư luận không chính xác rằng, DN muốn vay vốn ngân hàng luôn phải có tài sản thế chấp.
 
Với quan điểm riêng, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam khẳng định, việc tăng cho vay tín chấp phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay, ANZ chỉ dựa trên việc DN đó có khả năng trả nợ hay không chứ không dựa chủ yếu trên tài sản đảm bảo. Với một số đơn vị, khi ANZ đánh giá khả năng trả nợ cao thì sẽ giải ngân ngay lập tức. “Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, đối với ngân hàng, việc tăng cho vay tín chấp lúc này không phải điều dễ dàng. Nhưng điều quan trọng là ngân hàng có người đủ giỏi để thẩm định hay không?”, Tổng giám đốc ANZ cho biết.
 
Cũng theo vị này, cán bộ tín dụng chỉ cần hiểu nghề thì việc cho vay tín chấp không khó. ANZ hiện có 700 cán bộ hiểu rất rõ việc cho vay tín chấp nên không có gì trở ngại trong  thời điểm này, hay thời gian sắp tới. “Ngược lại, một câu hỏi đặt ra là DN có đủ bản lĩnh để vay tín chấp với lãi suất vay mà ngân hàng áp dụng hay không?”, ông Tareq đặt câu hỏi.
 
Theo ông, DN phải đảm bảo được khả năng trả nợ thì mới nên vay, bởi khi cho vay tín chấp thì TCTD đánh giá mức độ rủi ro của DN thông qua lãi suất, nếu DN có tiềm lực yếu thì lãi suất cao và ngược lại. Như vậy, DN phải suy nghĩ nếu không đủ khả năng trả nợ thì trước hết họ đã đẩy công ty của họ trước rủi ro tài chính. Cuối cùng, chính DN sẽ phải phá sản nếu không có khả năng trả nợ…
 
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, nếu mở rộng được hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo thì các TCTD sẽ thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, DN có thêm cơ hội vay vốn. Nhưng ngược lại, chính các ngân hàng cũng phải kiềm chế khách hàng vay vốn tín chấp, nếu rủi ro kế hoạch kinh doanh của họ đưa ra không đảm bảo khả năng trả nợ.
 
Vì vậy, vấn đề còn lại là ngân hàng có đủ năng lực để xem xét những khoản nợ DN họ đang có, điều kiện kinh tế thị trường, khả năng vay thêm vốn không có tài sản đảm bảo… Thậm chí, các cán bộ trong các TCTD có đủ năng lực thẩm định dự án, xem xét khả năng tài chính của DN để nhìn thấy khả năng trả nợ của khoản đề nghị xin vay hay không? Vì đã từng có một số ngân hàng yếu, không có đội ngũ nhân sự đủ kinh nghiệm đã phải nhận rủi ro sau khi cho vay tín chấp.
 
Quỳnh Chi – thoibaonganhang.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến