Chọn tập đoàn lớn làm đối tác chiến lược quốc gia?
06/08/2014 14:18:05
Đã có đề xuất về việc lựa chọn các tập đoàn lớn trở thành đối tác chiến lược quốc gia, khi ngày càng nhiều tập đoàn trên toàn cầu nhắm tới điểm đến đầu tư Việt Nam.

Thông tin về các tập đoàn lớn quan tâm và đặt chân đến Việt Nam liên tiếp đổ về trong những ngày tháng 7/2014. Ban đầu là việc, Samsung Display nhận Giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án 1 tỷ USD ở Bắc Ninh với kế hoạch biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh. Tới đây, khi các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung hoạt động ổn định, khoảng 60% lượng điện thoại Hãng bán ra thị trường toàn cầu sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

 

Ngày càng nhiều tập đoàn lớn nhắm tới điểm đến đầu tư Việt Nam. Ảnh: Hà Thanh

Tiếp đó là Intel, với việc chính thức công bố bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, theo bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, trong thời gian tới, 80% bộ vi xử lý Intel Haswell mới nhất (thế hệ thứ 4) dành cho desktop tiêu thụ trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại Nhà máy Intel Việt Nam.

 
Trong khi đó, cả Nike, Adidas, Puma, Timberland..., những tên tuổi lớn, cũng đang chuyển lượng lớn đơn hàng sang Việt Nam sản xuất nhằm tránh rủi ro tại Trung Quốc.
 
Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), tỷ lệ chuyển dịch hiện là 25%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng nửa đầu năm 2014, các hãng thời trang như Nike, Adidas, Puma đã chuyển lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh sang nhà máy của Việt Nam…
 
Chưa kể, Exxon Mobil (Mỹ) cũng đang rục rịch kế hoạch đầu tư dự án 20 tỷ USD ở Việt Nam. Con số đối với Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội còn lên tới 27 tỷ USD. Trong khi đó, Tập đoàn Formosa vẫn đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ Liên hợp Thép Formosa Hà Tĩnh, vốn đầu tư 9,9 tỷ USD…
 
Những thông tin này ngay lập tức được dư luận cho rằng, đã chứng tỏ được sức hấp dẫn của thị trường đầu tư Việt Nam. Nhiều kỳ vọng cũng được đặt ra, bởi thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn trên toàn cầu, đặc biệt là các tập đoàn đứng trong top 500 Forbes, là mục tiêu lâu nay Việt Nam đang hướng tới.
 
“Thu hút đầu tư được của các tập đoàn lớn sẽ mang lại nhiều nguồn lực cho nền kinh tế. Qua họ, chúng ta cũng có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư vệ tinh đến Việt Nam”, ông Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chia sẻ.
 
Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, Việt Nam lâu nay đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn trên toàn cầu, nhưng lại chưa rõ ràng theo nghĩa đối tác để tạo ra các trục ngành cho nền kinh tế.
 
“Tôi cho rằng, nên tìm kiếm và thiết kế các các đối tác chiến lược quốc gia theo nghĩa tập đoàn”, ông Thiên nói và phân tích rằng, thế giới ngày nay đã khác, sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không còn mạnh ai nấy làm như trước. Mỗi chuỗi ấy thường có sự tham gia của một hoặc vài tập đoàn, có vai trò quyết định sự tham gia của những công ty khác.
 
“Vì thế, nếu chúng ta muốn được vào chuỗi giá trị đó, phải mời được các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, và bằng cách nào đó, để họ kết nối được với doanh nghiệp trong nước”, ông Thiên nhấn mạnh.
 
Trên thực tế, trong chiến lược thu hút FDI, một trong những cái đích mà Việt Nam hướng tới là các tập đoàn đa quốc gia. Con số chỉ hơn 100 tập đoàn đa quốc gia có mặt ở Việt Nam, trong khi ở Trung Quốc là hơn 400, khiến các nỗ lực kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn này liên tục được thực hiện.
 
Sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia, trên thực tế, chỉ trở nên thật sự sôi động sau sự xuất hiện của Intel vài năm trước đây, với kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Vào thời điểm đó, để thu hút được dự án này, Chính phủ đã gật đầu với khá nhiều cơ chế ưu đãi cho Intel, dù còn nhiều quan điểm trái chiều. Nhưng đúng là sau đó, “con chim mồi” Intel đã góp phần mang tới Việt Nam rất nhiều đại gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, như Samsung, Nokia, LG…
 
Sự xuất hiện của Samsung, thậm chí còn hơn cả kỳ vọng, khi cho tới nay, đã có trên 6,85 tỷ USD được tập đoàn Hàn Quốc này đổ vào Việt Nam. Các dự án lớn được đầu tư nhanh và mang lại hiệu quả cao khiến Samsung có lợi thế rất lớn trong đàm phán các cơ chế ưu đãi đối với Chính phủ. Thậm chí, một tổ công tác liên ngành cũng đã được thiết lập để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình đầu tư của Samsung tại Việt Nam, tập đoàn hiện có doanh thu hàng năm lớn hơn cả GDP của Việt Nam, và họ cũng có nguồn ngoại tệ để dành lên tới 60 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ khoảng 30-35 tỷ USD.
 
“Với các tập đoàn lớn như vậy, không thể đối xử với họ như các công ty nhỏ và vừa được”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhắc tới quyền năng của các tập đoàn lớn để khẳng định một điều, phải có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư của các tập đoàn này.
 
“Các tập đoàn này thường có chiến lược đầu tư và kinh doanh dài hạn. Nếu mình có chính sách tốt, lại phù hợp với chiến lược của họ, thì họ sẽ đầu tư vào”, GS. Nguyễn Mại nói.
 
Vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI này cũng đã nhấn mạnh rằng, một quốc gia muốn phát triển thì phải có chiến lược dài hạn. Thu hút FDI cũng vậy. “Chỉ cần mỗi lĩnh vực mình muốn phát triển, như điện tử, hóa dầu…, thu hút một tập đoàn lớn, để tạo xương sống cho nền kinh tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế”, GS. Nguyễn Mại nói và một lần nữa bày tỏ quan điểm rằng, khi thu hút đầu tư những đối tác chiến lược như vậy, không nên quá căn ke chuyện “cho” họ được những gì.
 
Nhắc lại câu chuyện của Formosa, thời gian gần đây xin khá nhiều ưu đãi đầu tư và đã được Chính phủ chấp nhận, GS. Nguyễn Mại cho rằng, đó là những chính sách ưu đãi hợp lý và trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
 
“Chúng ta cần làm vậy để thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
 
Nhìn từ khía cạnh ưu đãi và các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thì trên thực tế, Việt Nam đã bước đầu thiết lập được các đối tác đầu tư chiến lược, nhìn theo nghĩa từ tập đoàn, như đề xuất của ông Trần Đình Thiên.
 
Song, theo ông Thiên, như vậy vẫn chưa đủ. Để thực sự có được các đối tác chiến lược quốc gia theo nghĩa tập đoàn, Việt Nam còn phải có thể chế hấp dẫn và đột phá, chứ không chỉ là những ưu đãi về thuế.
 
Nguyên Đức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến