Dòng sự kiện:
Chống cạnh tranh về thuế thu nhập doanh nghiệp trong ASEAN để thu hút FDI
30/06/2021 18:08:24
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, ASEAN cần thống nhất thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu như G7 và EU để tránh cạnh tranh xuống đáy trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cạnh tranh giảm thuế để thu hút FDI trong 10 năm qua diễn ra hết sức quyết liệt, khiến mức thuế suất thuế doanh nghiệp FDI trung bình trong ASEAN từ trên 25% vào năm 2010 giảm xuống còn 21,7% vào năm 2020.

Đua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Để cạnh tranh trong thu hút FDI, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), các quốc gia trên thế giới đua nhau giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các nước ASEAN không phải là ngoại lệ.

Theo ông Phạm Văn Long, chuyên viên nghiên cứu của VEPR, cuộc cạnh tranh xuống đáy về ưu đãi thuế trong ASEAN không phải là hiện tượng mới diễn ra, mà đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và càng ngày càng gay gắt. Đơn cử, năm 1996, cạnh tranh để thu hút đầu tư từ General Motors, Philippines đã “mời chào” gói miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm và ngay lập tức, Thái Lan đưa ra gói miễn thuế tương tự cùng gói giảm thuế sau khi hết thời gian miễn thuế.

Đối với Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% giảm xuống 28%, 25%, 22% và hiện tại là 20%, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với Singapore (17%). Mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% của Việt Nam có thể coi là khá hấp dẫn doanh nghiệp FDI khi thấp hơn Indonesia, Malaysia, Myanmar và Philippines, nhưng nếu tính cả các ưu đãi miễn, giảm thuế mà các quốc gia này đang thực hiện, thì mức thuế suất 20% của Việt Nam chưa hẳn còn hấp dẫn.

Cạnh tranh giảm thuế để thu hút FDI trong 10 năm qua diễn ra hết sức quyết liệt, khiến mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trong ASEAN từ trên 25% vào năm 2010 giảm xuống còn 21,7% vào năm 2020. Mức thuế suất này của ASEAN hiện thấp hơn 1,7 điểm phần trăm so với mức trung bình trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Thế giới đang gặp khủng hoảng về y tế dẫn tới khủng hoảng về kinh tế, gia tăng nghèo đói và sự bất bình đẳng trong xã hội do Covid-19. Cuộc khủng hoảng này còn kéo dài, vì vậy, theo ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia Oxfam Việt Nam, các nước ASEAN nên chấm dứt cuộc đua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các ưu đãi phi thuế.

Sớm thống nhất khung thuế suất

Trên thực tế, việc thống nhất chung một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu giữa các quốc gia vô cùng phức tạp vì liên quan đến thu hút FDI, giải quyết việc làm, nguồn thu ngân sách nhà nước và hơn hết, đánh thuế còn thể hiện chủ quyền của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, sau rất nhiều năm thảo luận với hàng trăm cuộc đàm phán, cuối cùng, các thành viên EU, G7 (Anh, Pháp, Đức, Italy, Mỹ, Nhật Bản và Canada) mới đi đến thống nhất áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các thành viên G20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dễ dàng đồng thuận về mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu. Và đây cũng là cơ sở để các nước ASEAN đi đến sự đồng thuận tương tự.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc quốc gia Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các nước ASEAN không cần thiết phải cạnh tranh nhau về thuế để thu hút FDI, vì thuế chỉ là một trong những yếu tố để doanh nghiệp FDI ra quyết định đầu tư.

“Covid-19 khiến nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trên toàn thế giới suy giảm, nhưng điều đó không có nghĩa là nguồn vốn FDI bị thiếu, mà ngược lại, rất dồi dào và có ở khắp mọi nơi. Có thể nói, ASEAN là khu vực thành công nhất trong thu hút FDI. Nhà đầu tư nước ngoài căn cứ vào sức mạnh, tiềm năng của cả ASEAN, chứ không phải từng thành viên riêng lẻ.

Như vậy, các ưu đãi về thuế hay phi thuế không phải là yếu tố quyết định và cũng không phải là ưu tiên hàng đầu khi doanh nghiệp FDI đưa ra quyết định đầu tư. Chính vì vậy, đã đến lúc, các nước ASEAN chấm dứt cuộc cạnh tranh xuống đáy và sớm ngồi lại với nhau để thống nhất một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu”, ông Thành phát biểu.

Khác với G7, G20, EU hay OECD, trình độ cũng như quy mô nền kinh tế của các thành viên ASEAN có sự khác biệt rất lớn. Vì vậy, nếu áp dụng chung một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu sẽ khó có thể thực hiện ngay được, vì những nước thành viên mới nhất của ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nên sẵn sàng thu hút FDI bằng mọi giá. Vì vậy, theo ông Phạm Văn Long, để làm “hài lòng tất cả”, trong giai đoạn đầu, ASEAN nên áp dụng khung thuế suất với biên độ khá rộng, từ 12,5% đến 20%.

“Các nước ASEAN phải luật hóa khung thuế suất này, đồng thời thống nhất về các chính sách ưu đãi đầu tư như thời gian miễn, giảm thuế; miễn, giảm tiền thuê đất, thời gian thuê đất… và phải có giải trình với các thành viên khác trong ASEAN về các chính sách ưu đãi phi thuế để tránh sự tuỳ tiện”, ông Long nhấn mạnh.

Tác giả: Hàn Tín

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến