Ghi nhận những kết quả tích cực, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng đánh giá hoạt động này còn những hạn chế tồn tại trong công tác xây dựng thể chế, công tác tuyên truyền, trong đó công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo chưa đều tay. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, thời gian tới phải tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp làm việc của Ban Chỉ đạo theo tinh thần kiên quyết, kiên trì, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan...
Thực vậy, cùng những mức án nghiêm minh mà tòa án các cấp đã tuyên đối với các bị cáo phạm các tội danh về tham nhũng, dư luận vẫn rất quan ngại những bản án còn thiếu tính răn đe, chưa đúng với quy định của Bộ luật Hình sự theo các khung, điều khoản quy định. Đặc biệt, vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nêu rõ 4 tội danh của bị cáo Nguyễn Đức Kiên gồm: Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt lên đến 264 tỷ đồng. Cùng số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn thì hậu quả bị cáo gây ra còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tài chính ngân hàng, tiền tệ, tác động tiêu cực tới niềm tin người dân với hoạt động này.
Vì vậy, ngoài hậu quả vật chất thì hậu quả phi vật chất là đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng, tòa chỉ phạt bị cáo 20 năm tù.
Một bản án đáng để tham chiếu về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng được chính TAND TP Hà Nội tuyên chỉ 3 ngày sau bản án vụ Nguyễn Đức Kiên.
Đó là 4 bị cáo trong vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng. Các bị cáo đã nhận đặt cọc của 143 lượt khách hàng với tổng số tiền gần 170 tỷ đồng.
Toà tuyên phạt bị cáo Trần Ứng Thanh (67 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà) tù chung thân; bị cáo Nguyễn Đức Lợi (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Hà Nội) 18 năm tù; Nguyễn Đức Thắng (64 tuổi) tù chung thân; Nguyễn Quốc Xương (59 tuổi, nguyên phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) 13 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, ngày 6-5, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hà (49 tuổi, ngụ Thừa Thiên – Huế) mức án tù chung thân về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2007 đến tháng 5-2011, Hà đã chiếm đoạt tiền đặt cọc mua đất của 15 người với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Với số tiền lừa đảo này, Hà bị tuyên phạt tù chung thân.
Hai vụ án được tuyên trong cùng tháng 6, tức cùng thời điểm xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên, đều cùng tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ án lừa đảo giãn dân phố cổ, Nguyễn Đức Thắng, Trần Ứng Thanh và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt của người dân 169 tỷ đồng, còn bị cáo Nguyễn Minh Hà lừa của người dân 14 tỷ đồng. Tuy số tiền lừa đảo là khác nhau nhưng cả ba bị cáo này đều bị phạt tù chung thân. Việc tuyên các bản án này là khách quan, theo quy định Bộ luật Hình sự (khoản 4, Điều 139 – BLHS, “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt cao nhất là chung thân). Ở đây, căn cứ số tiền lừa đảo, chiếm đoạt, căn cứ hậu quả bị cáo gây ra, toà đã áp dụng theo khoản 4 điều luật này để tuyên án chung thân với các bị cáo. Trong khi hậu quả vụ Nguyễn Đức Kiên gây ra không chỉ ảnh hưởng một ngân hàng, một doanh nghiệp mà tác động dây chuyền khó lường. Đáng chú ý, Nguyễn Đức Kiên không chỉ bị áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm k, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự mà cần phải xem xét cả tình tiết tăng nặng khác được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự “phạm tội có tổ chức”.
Bản án sơ thẩm đã khép lại hơn 1 tháng, dư luận nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tài chính, kinh tế, luật sư... đã có ý kiến. Thế nhưng tới nay, mọi việc vẫn rơi vào im lặng khó hiểu. Đây chính là một trong những vấn đề tồn tại cần phải được làm rõ. Như Tổng Bí thư đề cập về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, cần tiếp tục xác định và quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng sắp tới vẫn còn nhiều việc làm, đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết. Từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương phải chủ động đề xuất, tham mưu theo lĩnh vực được phân công. Tổng Bí thư chỉ rõ: Phải tiếp tục xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng, khó khăn, phức tạp, phải làm kiên quyết, kiên trì, ngày càng bài bản, nhuần nhuyễn hơn, phải khắc phục những kẽ hở trong pháp luật.
Theo CAND
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy