Dòng sự kiện:
Chống thất thoát tài sản nhà nước: Bài toán 'quy trình' hay kiểm soát quyền lực?
03/05/2018 09:58:48
Một loạt vụ bê bối gần đây liên quan đến bán rẻ đất đai cho thấy thất thoát và tham nhũng liên quan đến tài sản nhà nước, đặc biệt là tài sản đất đai, tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng và chưa có giải pháp xử lý.

Một điểm chung ở hầu hết các vụ việc được điều tra cho thấy đó là sự cấu kết chặt chẽ giữa quan chức nắm quyền quyết định và các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu khăng khít với các cá nhân quyền lực trong bộ máy nhà nước để trục lợi từ tài sản công. Đất đai, được phù phép thông qua các thủ tục hợp pháp và bất hợp pháp, được định giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường và trao trực tiếp vào tay doanh nghiệp thân hữu. Từ đó, các tài sản đất đai biến thành các dự án thương mại với lợi nhuận khổng lồ. Tiến trình này không giúp tăng ngân quỹ quốc gia và nguồn lợi chui vào túi các doanh nghiệp thân hữu và quan tham.

Với mọi quy trình, công khai, minh bạch việc đấu giá tài sản vẫn là khâu cốt yếu nhất. Ảnh: THÀNH HOA

Mà thật ra chưa cần đến điều tra và kết luận của các cơ quan chức năng, sự giàu lên nhanh chóng một cách bất thường của nhiều quan chức địa phương lẫn doanh nghiệp sân sau cho thấy những nghi vấn và nhận định đó là có căn cứ xác thực.

Giám sát quyền lực quan trọng hơn quy trình

Quy trình chuyển giao tài sản là điều được bàn đến nhiều nhất. Nhưng trong hầu hết vụ việc thất thoát tài sản nhà nước, “đúng quy trình” là tấm kim bài miễn tội được nêu ra đầu tiên. Cá nhân tôi cho rằng, bên cạnh quy trình, vấn đề giám sát quyền lực cần phải đặt cao hơn, trong đó đặc biệt là quyền lực của cơ quan hành pháp ở địa phương. Hiện nay, vai trò của hội đồng nhân dân, của tòa án, và vai trò giám sát từ bên ngoài của báo chí, của xã hội hầu như không hiệu quả.

Từ trước tới nay, các vụ chuyển giao và làm thất thoát công sản hầu hết chỉ gói gọn trong hai kịch bản. Hoặc là êm xuôi, trót lọt. Hoặc cần đến cơ quan điều tra hình sự vào cuộc khi có dấu hiệu phạm tội (tham nhũng, chiếm đoạt tài sản). Trong cả hai trường hợp, vụ việc có xử lý đi nữa thì tài sản cũng đã thất thoát và rất khó thu hồi, hoặc thu hồi không đầy đủ. Đó là chưa nói đến thiệt hại vô hình lớn hơn gấp nhiều lần của tiến trình “thân hữu hóa” bộ máy nhà nước: nguồn lực quốc gia bị phân bổ sai chỗ, phân bổ méo mó làm suy giảm khả năng cạnh tranh, làm vấy bẩn môi trường kinh doanh và sự minh bạch của cả quốc gia.

Vì vậy, bất luận thế nào, chờ cho đến khi vụ việc xảy ra, khắc phục hậu quả, dù có rốt ráo, nghiêm minh đi chăng nữa (mà điều này vẫn còn là dấu hỏi), thì vẫn là quá muộn. Điều quan trọng hơn chính là giám sát việc thực thi quy trình đó, để giảm thiểu được rủi ro xảy ra sai phạm của những người có quyền quyết định trong việc mua bán tài sản nhà nước.

Với mọi quy trình, công khai, minh bạch việc đấu giá tài sản vẫn là khâu cốt yếu nhất. Quy trình pháp lý hiện tại không phải không yêu cầu công khai, minh bạch. Quy trình không thiếu, nhưng thực thi mới là vấn đề. Các dự án bán tài sản nhà nước, đặc biệt là đất đai, hầu hết không được thông tin công khai và không được tiến hành đấu giá công khai. Nếu phải đấu giá, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” được sử dụng phổ biến để lách luật. Để khắc phục điều đó, có ba hướng giải pháp mới cần được cân nhắc:

Thứ nhất, tăng cường giám sát của hội đồng nhân dân địa phương qua công cụ kiểm toán và giám sát. Kiểm toán nhà nước, dù ở địa phương, phải là cơ quan độc lập và báo cáo trực tiếp cho hội đồng nhân dân. Dựa vào kết quả từ kiểm toán, các cơ quan dân cử có thêm một công cụ mạnh để thu thập bằng chứng, từ đó gia tăng giám sát các cá nhân có quyền lực của cơ quan hành pháp địa phương. Hội đồng nhân dân cũng cần thiết tiến hành thêm các hoạt động yêu cầu giải trình bất thường theo vụ việc để giám sát vụ việc. Khi nhận được thông tin từ doanh nghiệp, từ các tổ chức xã hội, báo chí, người dân về dấu hiệu bất thường trong các dự án bán tài sản lớn, hội đồng nhân dân hoàn toàn có thể tổ chức các phiên điều trần để yêu cầu người đứng đầu của các cơ quan hành chính, sở ban ngành báo cáo và giải trình chi tiết. Gia tăng áp lực kiểm soát và trách nhiệm giải trình từ phía đại biểu hội đồng nhân dân là con đường bền vững nhất để kiểm soát quyền lực hành chính.

Thứ hai, cần khuyến khích doanh nghiệp tiến hành các vụ kiện hành chính liên quan đến mua bán tài sản nhà nước. Nếu quá trình đấu giá không công khai, không minh bạch và gây thiệt hại đến doanh nghiệp tham gia, họ nên khởi kiện. Nếu tòa án có khả năng bảo vệ lợi ích của một doanh nghiệp mà vì lý do nào đó bị “hất cẳng”, bị đẩy ra một cách bất hợp lý, bất hợp pháp khỏi một thương vụ chuyển nhượng, khai thác tài sản có nguồn gốc hoặc liên quan đến công sản và doanh nghiệp dám đứng ra kiện cơ quan hành chính thì áp lực sẽ gia tăng lên người đứng đầu cơ quan thực thi và giảm động cơ làm bậy, phạm pháp của họ. Tòa án hiện đang là nhánh yếu trong thiết chế giám sát quyền lực và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân. Nếu không tăng tốc cải cách mạnh các thiết chế tư pháp, hệ thống giám sát quyền lực sẽ khó có thể hiệu quả.

Và cuối cùng, báo chí, dư luận xã hội, các tổ chức xã hội là kênh giám sát quan trọng từ bên ngoài hệ thống nhà nước. Tuy nhiên, vai trò điều tra tham nhũng, điều tra sai phạm của báo chí Việt Nam đã suy giảm đáng kể trong suốt 10 năm qua, đặc biệt từ sau vụ án PMU 18. Áp lực từ dư luận sẽ khiến quan chức và doanh nghiệp thân hữu phải chùn tay. Nhưng để có áp lực, cần có thông tin điều tra từ báo chí và công khai, lan tỏa thông tin. Đây cũng là điểm nghẽn cần phải tháo gỡ.

Kiểm soát đi đôi với đẩy nhanh tiến trình bán tài sản nhà nước

Một loạt những vụ việc sai phạm, thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng là cơ hội để tiếp tục lật lại vấn đề chống thất thoát tài sản. Nhưng ở phương diện ngược lại, cũng không nên vì các vụ thất thoát mà trì hoãn việc bán/chuyển nhượng các tài sản nhà nước, đặc biệt là tài sản đất đai. Tài nguyên và nguồn lực cần được đưa vào nơi sử dụng hiệu quả nhất để tạo ra giá trị cao nhất cho nền kinh tế, cho toàn thể xã hội. Và đất công, tài sản công khác (hiện đang nằm nhiều trong các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công ích) cần phải nhanh chóng chuyển sang cho khu vực tư nhân, cho các doanh nghiệp vốn luôn có khả năng khai thác hiệu quả hơn. Xét trên phương diện đó, tiến trình đô thị hóa và phát triển kinh tế vẫn rất cần đến quỹ đất mà cơ quan công quyền, nhất là cơ quan đặc thù như công an và quân đội, doanh nghiệp nhà nước… hiện đang nắm giữ. Đẩy nhanh tiến trình bán tài sản nhà nước đi kèm với công khai hóa, minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ là điều cần thiết.

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến