Dòng sự kiện:
Chủ nợ lớn nhất của FLC Group khẳng định các khoản vay đều an toàn
30/03/2022 13:52:45
Sacombank cho biết hoạt động cấp tín dụng cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và có đầy đủ tài sản bảo đảm.

Sáng 30/3, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) đã phát đi thông báo liên quan đến khoản vay của Công ty Tập đoàn FLC tại nhà băng này.

Theo đó, ngày 29/03/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Group bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, một số thông tin cho rằng vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến Sacombank bởi FLC Group là khách hàng có giao dịch tín dụng tại Sacombank.

"Bằng thông cáo báo chí này, Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn", Sacombank khẳng định.

Trong năm 2021, Sacombank đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính Phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch Covid-19.

Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.

Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của Tập đoàn FLC, doanh nghiệp này có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021. Trong đó bao gồm các khoản vay ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn trả, vay trung dài hạn và trái phiếu.

Tổng dư nợ của FLC chiếm 18,3% tổng nguồn vốn tại ngày cuối năm, cao gấp 2,5 lần nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Đa phần nợ của FLC là các khoản người mua trả tiền trước và phải trả ngắn hạn, dài hạn.

Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng so với hồi đầu năm ngoái. Tổng nợ vay ngân hàng chỉ khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả. Trong năm 2021, chi phí lãi vay của FLC là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp của tập đoàn.

Doanh nghiệp này có dư nợ vay 1.840 tỷ đồng tại Sacombank thông qua 2 hợp đồng tín dụng phát sinh trong năm 2021, kỳ hạn lần lượt là 60 tháng (số dư 1.240 tỷ) và 120 tháng (số dư 600 tỷ). Với số dư này, Sacombank là chủ nợ ngân hàng lớn nhất của FLC.

Hồi tháng 4/2021, Sacombank và Bamboo Airways đã ký kết hợp tác toàn diện. Sau giai đoạn này, FLC mới bắt đầu phát sinh các giao dịch tín dụng với ngân hàng này.

Tính đến cuối năm 2021, Sacombank có tổng dư nợ cho vay khách hàng là 381.012 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 34.261 tỷ đồng. Theo đó, số dư nợ phát sinh tại FLC tương đương khoảng 0,48% dư nợ cho vay khách hàng và chỉ chiếm khoảng gần 5,4% vốn chủ sở hữu.

Thực tế, ngoài Sacombank là chủ nợ lớn nhất, FLC cũng đang vay BIDV với tổng dư nợ cho vay 1.747 tỷ đồng thông qua cả các khoản vay ngắn hạn và dài hạn.

Ngân hàng OCB cũng là chủ nợ lớn của FLC với số dư 1.392 tỷ đồng đến cuối năm 2021. Trước đó, FLC và OCB cũng có thỏa thuận hợp tác chiến lược từ tháng 1/2019. Ngoài ra, các ngân hàng NCB, Agribank và Công ty Chứng khoán MBS cũng đang là chủ nợ tại FLC với số dư cho vay lớn.

Bên cạnh FLC, các ngân hàng kể trên cũng đang là chủ nợ chính tại Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes - một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái FLC. Doanh nghiệp này hồi tháng 1/2021 cũng bị phạt 145 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch và chậm công bố thông tin theo quy định.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến