Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát hành nhà sách TP.HCM (Fahasa, mã chứng khoán: FHS) vừa thông báo đã bán 3 triệu cổ phiếu vào ngày 9/8. Thời gian giao dịch kết thúc sớm hơn gần 3 tuần so với dự kiến. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức chuyển quyền sở hữu tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, ông Thuận cho biết mục đích bán 3 triệu cổ phiếu là để góp vốn thành lập công ty. Khối cổ phiếu này tương đương khoảng 23% vốn của Fahasa. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Thuận từ 37,8% xuống còn 14,3%, tương đương hơn 1,82 triệu cổ phiếu.
Tính theo giá đóng cửa phiên 9/8 là 31.000 đồng/cổ phần, khối cổ phiếu vừa chuyển nhượng trị giá khoảng 93 tỷ đồng. Hiện tại, Fahasa chưa công bố bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu của ông Thuận.
Việc bán bớt cổ phiếu của ông Thuận được thực hiện trước thời điểm Fahasa chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Công ty dự kiến thanh toán 7,65 tỷ đồng cổ tức vào ngày 18/9.
Quý II năm nay, Fahasa ghi nhận doanh thu thuần 1.113 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.128 tỷ đồng ở cùng kỳ. Lợi nhuận gộp khoảng 263 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất sinh lời gộp đạt 23,6%, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng giai đoạn năm 2023. Công ty báo lãi trước thuế 8,7 tỷ đồng và lãi sau thuế 7 tỷ đồng, đều chênh lệch không đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Fahasa xấp xỉ 1.828 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu kỳ. Lợi nhuận gộp hơn 487 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 26,6%. Lãi trước và sau thuế cùng xấp xỉ số đầu năm, lần lượt đạt 28,1 tỷ đồng và 22,5 tỷ đồng.
Công ty kỳ vọng năm nay doanh thu tăng 3%, tương ứng tăng hơn 100 tỷ đồng, lên 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến chênh lệch không nhiều so với năm trước, đạt mức 70 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 16%, trong khi năm ngoái là 18%. Sau nửa năm, Fahasa đã hoàn thành 45,7% kế hoạch doanh thu và 40,1% mục tiêu lợi nhuận.
Hội đồng quản trị Fahasa dự báo tình hình thị trường tiếp tục còn nhiều khó khăn. Dù vậy, công ty vẫn đầu tư mở thêm các nhà sách mới hiện đại, quy mô lớn ở các thị trường tiềm năng và làm mới các nhà sách hiện hữu. Ngoài ra, công ty cho biết sẽ khai thác hàng hoá mới để bắt kịp xu thế của giới trẻ, đẩy mạnh kinh doanh các ngành hàng sách, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh, đồ chơi và hàng quà tặng.
Hệ thống của Fahasa hiện có hơn 120 nhà sách tại các tỉnh thành trên cả nước. Công ty cũng cho biết đã và đang đầu tư mạnh mẹ cho thương mại điện tử để phù hợp xu thế ứng dụng công nghệ. Trung tâm thương mại điện tử Fahasa đang dần chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động chung của công ty.
Đến cuối tháng 6/2024, Fahasa có tổng tài sản 1.724 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 1.419 tỷ đồng hồi đầu kỳ. Công ty ghi nhận nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II/2024 là 1.529 tỷ đồng, tăng 313 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và phần lớn trong số này là nợ ngắn hạn. Công ty hiện có vốn chủ sở hữu 194 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm một nửa so với đầu kỳ, còn 24,8 tỷ đồng.
Tác giả: Thuỳ Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy