Dòng sự kiện:
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Vi phạm Công ty Thuận Phong xâm phạm lợi ích nông dân
20/09/2017 06:28:21
Vi phạm của Công ty Thuận Phong đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và gây thiệt hại rất lớn đối với nông dân.

Đó là quan điểm của ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam khi đề cập về ảnh hưởng từ phân bón giả do công ty Thuận Phong sản xuất bán ra thị trường.

Liên quan tới vụ đại án phân bón giả của Công ty CP sản xuất thương mại Thuận Phong (Đồng Nai) gây hoang mang dư luận suốt 2 năm qua, không ít lần lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các cấp ngành, Công an tỉnh Đồng Nai phải làm rõ hành vi sản xuất mua bán phân bón giả của Công ty Thuận Phong song sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Phân bón giả của Công ty Thuận Phong bị cơ quan chức năng phát hiện.

Chính vì thế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam về vấn đề này.

Ông Môn cho biết, câu chuyện về phân bón giả của Công ty Thuận Phong đã xảy ra từ lâu, đã có nhiều cuộc họp, tranh cãi nảy ra về sự việc "tại sao lại chậm chễ trong việc xử lý dứt điểm sai phạm" của công ty này.

“Ở nhiều cuộc họp bàn về việc đánh giá mức độ thiệt hại và xử lý công ty Thuận Phong, bản thân tôi đã có nhiều phát biểu thể hiện quan điểm của hội về việc này. Đối với những người nông dân, việc phải sử dụng phân bón giả gây ảnh hưởng lớn tới năng suất, chất lượng cây trồng của bà con” – Ông Lại Xuân Môn cho hay.

Theo ông Lại Xuân Môn, dù đang có quan điểm khác nhau giữa một số bộ ngành, tuy nhiên Ban Chỉ đạo 389, các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã vào cuộc điều tra, xác minh, giám định chất lượng và đi đến kết luận công ty Thuận Phong vi phạm 4 điểm sau: Thứ nhất, sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón. Thứ hai sản xuất, kinh doanh phân bón giả về công dụng. Thứ ba, sản xuất, kinh doanh giả về chất lượng. Thứ tư, sản xuất, kinh doanh giả mạo bao bì hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói hàng hóa, bảo hộ của tổ chức, cơ quan Nhà nước.

“4 vi phạm của Công ty Thuận Phong đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và gây thiệt hại rất lớn đối với nông dân. Do vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, Ban Chỉ đạo 389 đã bàn giao vụ việc vi phạm cho cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ. Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao tới nay, những sai phạm của Công ty Thuận Phong vẫn chưa được xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.” – Ông Lại Xuân Môn cho biết.

Với trách nhiệm là đơn vị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nông dân bị thiệt hại vì sử dụng phân bón giả của công ty Thuận Phong, Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, điều tra xử lý hành vi vi phạm của công ty Thuận Phong để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân, đảm bảo công bằng trong xã hội.

Trước đó, ngày 24/4/2015, Đoàn công tác liên ngành của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai phát hiện quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong, tại địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa (khu vực K888), tỉnh Đồng Nai.

Kiểm tra thực tế tại kho Nhà máy của công ty, đoàn phát hiện thêm khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai các loại giả xuất xứ từ Mỹ và nhiều tem giả, nhãn mác giả khác…

Kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho Nhà máy của Công ty Thuận Phong, Đoàn kiểm tra phát hiện khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai các loại, (3.224 chai - tương đương 4.045 kg) giả xuất xứ “MADE IN USA”; và hàng trăm kg nhãn mác, tem giả xuất xứ khác.

Quá trình tìm hiểu, từ tháng 1/2014 đến nay, Công ty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường tổng số trên 40.000 chai các loại tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước giả mạo.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến