Kiến nghị trên được ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, diễn ra vào chiều 3/8.
Để đại đa số người dân tiếp cận nhà với giá hợp lý
Nhìn nhận Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đi vào thực tế, ông Nguyễn Đình Trung cũng gửi lời cảm ơn Thủ tướng và tổ công tác đã có những chương trình giúp cho doanh nghiệp chúng tôi trong thời gian khó khăn vừa qua, song vẫn còn nhiều vấn đề mà ông muốn kiến nghị tới Hội nghị nhằm thúc đẩy thị trường phát triển nhanh hơn.
Hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định 44 về quy định về giá đất và Thông tư 36 về quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất. Trong đó đã loại phương pháp thặng dư.
Theo ông Trung, hiện các dự án bất động sản đang tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, đây là phương án tốt nhất cho đến hiện nay, trong đó việc áp dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tính tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư là hợp lý.
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh (Ảnh: VGP).
Tuy nhiên, nhiều địa phương không áp dụng chỉ số CPI của địa phương mà áp dụng theo CPI quốc gia. Quan điểm của nhiều chuyên gia là cần áp dụng CPI của địa phương nhằm phản ánh đúng tăng trưởng và tình trạng kinh tế của địa phương, tránh tình trạng giá bất động sản ở một số nơi cao.
Trong tương lai, ông Trung kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nên tính tới giải pháp sử dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hay còn gọi là phương pháp hệ số K) như nhiều chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã kiến nghị.
“Với phương pháp này, doanh nghiệp có thể tính toán được tiền sử dụng đất mình phải đóng trước khi quyết định đầu tư và hợp tác đầu tư. Nhà nước không khó khăn trong việc định giá đất. Và khi áp dụng phương pháp hệ số K, để đảm bảo nguồn thu ngân sách và hài hoà lợi ích: người dân - Nhà nước - doanh nghiệp”, ông kiến nghị.
Ông cũng đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành nghề kinh doanh bất động sản từ 20% tăng lên 28 - 30% dưới mức thuế khai thác tài nguyên quý hiếm hiện là 32 - 50%.
Khoản thuế này đánh trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản chứ không phải ở chi phí đầu vào mà người tiêu dùng phải gánh.
“Điều này góp phần tạo thuận lợi cho đại đa số người dân tiếp cận nhà với giá hợp lý. Doanh nghiệp bất động sản có thể đạt lợi nhuận thấp hơn, nhưng mọi việc sẽ thuận lợi, góp phần bài toán giải quyết việc làm, đóng góp vào dòng chảy phát triển kinh tế đất nước”, ông Trung nói.
Ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt
Một vướng mắc khác, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, một dự án phát triển đến được giai đoạn có giấy phép xây dựng để thi công mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra đơn đặt hàng cho hàng trăm ngành nghề liên quan.
Song, thực tiễn hiện nay quy trình thủ tục để có được giấy phép xây dựng chưa đảm bảo vì nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan.
“Chúng tôi mong rằng các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh, thành có giải pháp hỗ trợ đặt mục tiêu doanh nghiệp được cấp phép xây dựng để đưa dự án vào triển khai”, ông Trung kiến nghị.
Chủ tịch Hưng Thịnh đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản từ 20% tăng lên 28 - 30% (Ảnh: Phạm Tùng).
Trong khi đó, hiện chủ đầu tư được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án, do tình trạng pháp lý khó khăn nên những quy định về tiếp cận vốn vay sẽ rất khó khi ngân hàng thực hiện dự án theo quy định.
“Chúng tôi kiến nghị, trong ngắn hạn ngân hàng cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án có chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể được phép tiếp cận vốn vay”, ông nói đồng thời nhấn mạnh, những vấn đề này giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thành khoản... tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân.
Liên quan đến mục tiêu chung tay tạo ra 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 như Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã đăng ký tham gia, ông Trung đề xuất cần phải cho phép người mua nhà ở xã hội được phép chuyển nhượng bất động sản của mình tự do.
Trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất nhưng người sử dụng tài sản có thể trong hoàn cảnh khó khăn họ bán được bất động sản để lo cho gia đình mình và Nhà nước có thể thu ngay được tiền mà do họ chuyển nhượng tương đương giá trị sử dụng đất.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy