Dòng sự kiện:
Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
03/02/2017 14:19:32
Sáng nay, ngày 3/2, tức mồng 7 tết Đinh Dậu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lái máy cày trên cánh đồng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trước đó, một lão nông trong vai vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông rồi xuống ruộng đi cày 3 sá.

 

Sáng ngày 3/2 tức mồng 7 Tết Đinh Dậu, hàng nghìn người đổ về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam xem “vua” xuống ruộng đi cày, cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu… Năm nay, lễ hội Tịch điền cũng chính thức đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hàng nghìn người đổ về chân núi Đọi tham gia lễ hội Tịch Điền 2017

Về dự lễ hội Tịch điền năm 2017 có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến Học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về dự lễ hội Tịch điền

Sau màn khai múa trống khai hội cùng màn múa rồng, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã đọc văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành và Thần Nông khai hội Tịch điền Đọi Sơn 2017.

Sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã lên dâng hương linh vị vua Lê Đại Hành và Thần Nông.

Phát biểu tại lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Lễ hội Tịch điền đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, được ghi nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, được nhà nước công nhận. Đây là lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò của nhà nông. Tiếng trống ngày khai hội Lễ hội Tịch điền đã thúc giục người dân vào mùa vụ mới... Đây còn là hoạt động văn hoá du lịch quảng bá vùng đất, con người Hà Nam…”.

Thay mặt Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho UBND huyện Duy Tiên, nơi diễn ra lễ Tịch điền hàng năm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ hội Tịch điền 2017

Kế thừa công việc của người xưa, khai xuân Tịch điền mở đầu một mỹ tục khuyến khích nông trang, nhắc nhở dân các làng vĩ nông vi bản, thuận lẽ trời, hợp lòng người. Lễ hội Tịch điền còn là dịp để người dân nhớ về cội nguồn, chiêm ngưỡng di tích lịch sử, cầu nguyện sư may mắn tốt lành.

Một lão nông tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày 9 sá.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành dâng hương linh vị vua Lê Đại Hành và Thần Nông

Tiếp đến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày trên cánh đồng Đọi Sơn như để đánh thức đất đai, khai xuân động thổ, khởi đầu mùa vụ, mang đến lúa gạo, nhà nhà no đủ.

Thời xưa, vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm. Từ đó, lễ được coi như Quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp - “Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ”.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục từ năm 2009 và ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày mở hội Tịch điền dưới chân núi Đọi, tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên.

Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Hà Nam đã trao Bằng công nhận nông thôn mới cho 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 của tỉnh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lái máy cày trên cánh đồng Đọi Sơn

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến