Sáng 14/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri quận Lê Chân để chuẩn bị Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 14/5, tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri tại quận Lê Chân.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân báo cáo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và tình hình kinh tế-xã hội của cả nước những tháng đầu năm 2022, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng từ sau Kỳ họp thứ 2 đến nay.
Đã có 9 cử tri các phường trong quận Lê Chân phát biểu ý kiến. Cử tri đánh giá các kỳ họp vừa qua của Quốc hội khóa XV đã thành công rất tốt đẹp, trong đó có vai trò chủ trì, điều hành linh hoạt, hiệu quả, sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và tinh thần đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội. Cử tri bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, quan điểm "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong công tác phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được thể hiện mạnh mẽ khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao với đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác này.
Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo sơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp thu và giải trình thêm một số nội dung.
Chia sẻ một số kết quả kinh tế-xã hội đạt được thời gian qua trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, hiện hầu hết ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, cũng như để đạt mục tiêu đã đề ra cho cả năm thì cần phải nỗ lực rất nhiều.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội cần thêm thời gian chuẩn bị, trong đó nổi bật vai trò trung tâm là đại biểu Quốc hội; tăng và mở rộng tính dân chủ, tăng tính pháp quyền, tính thích ứng "từ sớm, từ xa," linh hoạt, chủ động thích ứng, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, ngày càng gần dân hơn.
Về một số vấn đề cụ thể, nhất trí với ý kiến của cử tri Phạm Tiến Du, cử tri phường Trần Nguyên Hãn cho rằng Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, để các văn bản luật có đời sống lâu dài, ổn định; giải quyết tốt hơn nữa tình trạng chậm, nợ ban hành các văn bản hướng dẫn…
Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay nước ta có hệ thống pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, hoàn thiện, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời chia sẻ một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật nhằm tiếp tục kiến tạo sự phát triển của đất nước nhanh và bền vững và tạo điều kiện hội nhập quốc tế; khắc phục cho được tình trạng "luật khung, luật ống" hay quy định quá chi tiết, không đáp ứng sự biến động của thực tiễn cuộc sống.
Lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị Đề án nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và định hướng xây dựng pháp luật cho cả 5 năm. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đảng đoàn Quốc hội đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch 81, có 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Do đó, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, "từ sớm, từ xa" sẽ góp phần nâng cao chất lượng tốt hơn.
Hiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đã tiến bộ rất nhiều, tình trạng "nợ đọng" văn bản đã giảm đi rất nhiều và công tác này tiếp tục thực hiện.
Để đảm bảo các văn bản hướng dẫn bám sát văn bản luật, tránh chồng chéo, vướng mắc, không thống nhất, Quốc hội chủ trương tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn, giám sát vào nội dung…; đã có hướng dẫn yêu cầu hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cũng làm tương tự, có chương trình xây dựng nghị quyết cho cả 5 năm, giám sát việc tổ chức thực hiện. Chiến lược tập trung vào cả 2 nội dung: Xây dựng pháp luật và Tổ chức thực thi pháp luật.
Trước mắt có một luật rất quan trọng là Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ sẽ trình với Quốc hội trong kỳ họp này quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Kỳ họp tháng 10 năm nay. Nghị quyết Trung ương đặt ra mục tiêu là hết năm 2023 phải thực hiện xong. Cho nên, dự án Luật này dự kiến sẽ được trình, xem xét qua 3 kỳ họp để đến đầu năm 2024 có thể ban hành.
Cử tri Vũ Đình Thắng ở phường Trần Nguyên Hãn cho rằng Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh với "giặc nội xâm" tham nhũng, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Với mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng hiệu quả, cử tri Vũ Đình Thắng kiến nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm để các tập thể, cá nhân "không thể, không muốn, không dám" tham nhũng; tăng cường công tác giám sát của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bộ máy Nhà nước, góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đồng tình với ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hệ thống pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng "không thể, không muốn, không dám" tham nhũng. "Không thể" thì rõ ràng hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không có sơ hở. "Không muốn" thì chế độ về chính sách, đãi ngộ của chúng ta sau này như tiền lương và các điều kiện khác, cần phải tiếp tục nỗ lực để cải thiện. Và cuối cùng là chế tài đủ mạnh để "không dám" tham nhũng…
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri Lê Quý Hùng, phường Lam Sơn cho biết vừa qua trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 thì một số bộ phận và cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng trong lĩnh vực y tế…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng yêu cầu giải trình rõ hai việc trong lĩnh vực y tế. Một số nơi không dám mua sắm trang thiết bị y tế; ngược lại một số nơi mua thì xảy ra sai phạm, có thể kể tới như vụ Việt Á… Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải tiếp tục là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Trong kỳ họp thứ 3 sắp tới, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ báo cáo với Quốc hội kết quả của kiểm toán chuyên đề việc huy động quản lý và sử dụng tất cả các nguồn lực của công tác phòng, chống dịch trong mấy năm nay.
Về lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ánh, vừa qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến về việc dự kiến năm học 2022-2023, học sinh các trường phổ thông trung học sẽ được quyền lựa chọn có học môn lịch sử hay không. Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam," Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tọa đàm về ý kiến của cử tri nêu để có những đánh giá, nghiên cứu về ý nghĩa môn lịch sử. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề quan trọng là đổi mới cách dạy và học về lịch sử.
Trả lời ý kiến cử tri về sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận rất kỹ lưỡng các chính sách để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là nhận diện đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình, bao gồm cả vấn đề về thể chất và về tinh thần, đồng thời phải tăng cường công tác phối hợp và trách nhiệm của từng ngành trong việc này.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã thông tin tới cử tri về một số nội dung liên quan đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề hòa giải trong ngành tòa án, quy hoạch, tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở, chuyển đổi số quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, về chuyển đổi số quốc gia, chúng ta hướng xây dựng kinh tế số, xã hội số… Tuy nhiên, việc đầu tiên là cần chuyển đổi nhận thức, đây là tất yếu, khách quan; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quốc gia. Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.
Tại cuộc tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã thông tin về những nỗ lực của thành phố trong bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước sinh hoạt ở đô thị, nông thôn.
Ghi nhận các nội dung cụ thể của địa phương, trong đó có nội dung đề nghị có chính sách bổ sung biên chế nhân viên y tế cho trường học, ông Trần Lưu Quang cho biết trên cơ sở các quy định của pháp luật cùng với việc vận dụng chính sách của thành phố, cơ quan hữu quan sẽ giải quyết hài hòa, từng bước các vấn đề cử tri nêu./.
Tác giả: Hoàng Thị Hoa
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy