Dòng sự kiện:
Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý người bỏ cọc trong đấu giá biển số xe
18/09/2023 11:47:40
Các chuyên gia đề xuất cần có chế tài mạnh trong việc bỏ cọc đấu giá biển số xe hiện nay.

Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe

Mới đây, biển số ô tô 51K-888.88 có giá trúng cao nhất là 32,340 tỷ đồng, nhiều ý kiến cũng lo ngại về trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó Cục trưởng cục CSGT) thừa nhận có tình trạng "thắng thầu, bỏ cọc" đã xảy ra ở nhiều nơi, cụ thể trong lĩnh vực đấu giá đất. Vì vậy, theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục Cảnh sát giao thông đã tính toán đến phương án này.

Theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định rõ, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá. Số tiền này được trừ số tiền đặt cọc trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt trước 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày.

Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó Cục trưởng cục CSGT)

Trao đổi về trường hợp bỏ cọc, luật sư Lê Hồng Hiển (Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự) khẳng định, ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử lý đối với những trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe.

Việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc cho nhiều người có nhu cầu thực và cơ quan chức năng.

Người trúng đấu giá biển số xe sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình. Trước khi hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá mà phát sinh sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử qua Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Bộ Công an. Thời hạn gửi là trong 15 ngày kể từ ngày phát xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Luật sư Lê Hồng Hiển cho biết, tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Luật sư Lê Hồng Hiển (Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự)

Việc xử lý tiền đặt trước trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định tại điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016. Người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc nếu từ chối kết quả trúng đấu giá.

Theo điều 16 Nghị định 39 thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước. Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 19 Nghị định 39 do “người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định tại điều 16 nghị định này”.

"Đây cũng có thể được xem là trường hợp từ chối kết quả đấu giá theo quy định điểm đ, khoản 6 điều 39 Luật Đấu giá năm 2016, khi ấy họ sẽ không được nhận lại số tiền đặt cọc đấu giá trước đó đã nộp. Số tiền đặt cọc sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 39, biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này”, luật sư Lê Hồng Hiển chia sẻ.

Cần có chế tài mạnh trong việc bỏ cọc trong đấu giá biển số xe

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính) cho rằng, việc đấu giá các tài sản công, trong đó có đấu giá biển số xe theo hình thức trực tuyến vừa qua, rất nên làm, cần ủng hộ vì có tác động lớn tạo ra sự công khai, minh bạch. Đồng thời tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, văn minh hơn cho mọi người khi ai có nhu cầu, thích hơn sẽ trả giá cao hơn như biển số xe.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính)

Hoạt động này cũng ngăn chặn tư túi, móc ngoặc, tham nhũng vặt và nâng lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng, quản lý. Nhất là đối với biển số xe, dù thực hiện bấm biển ngẫu nhiên nhưng vẫn có những hành vi tiêu cực để chọn biển đẹp mà báo chí, dư luận đã phản ánh, thậm chí có vụ bị phanh phui. Hoạt động này cũng giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Về khả năng bỏ cọc thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá, như trước đây ở Thủ Thiêm (TP.HCM), do đó cần có chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bỏ cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 - 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác...

Riêng về việc quy định cá nhân hay doanh nghiệp cần chứng minh tài chính để tham gia đấu giá chỉ phù hợp với đấu giá đất đai, còn với biển số xe là không phù hợp, bởi sẽ không thể biết được cụ thể giá của biển số đó bao nhiêu để có yêu cầu.

Tác giả: Văn Ngân

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến