Nhưng theo giới chuyên gia, không thể chủ quan trước nguy cơ “bong bóng” tín dụng bất động sản, nhất là khi dòng vốn tiêu dùng đang tiếp tục tăng cao và vẫn chủ yếu được dùng để mua, sửa chữa nhà...
5 tháng, tín dụng bất động sản tăng thấp, đạt 2,19%
Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 5/2018, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng 2,19% so với cùng kỳ năm 2017. Mức tăng này phù hợp với định hướng của NHNN là kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đại diện NHNN cho biết, cơ cấu tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong khi tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
"So với cùng kỳ năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt 6,16% (tương đương khoảng 6,7 triệu tỷ đồng). Trong đó, vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi tín dụng các ngành nông - lâm - thủy sản, công nghiệp xây dựng và các lĩnh vực ưu tiên khác có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân", ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay.
Đối với các lĩnh vực bị hạn chế như bất động sản, BOT hay BT, theo đại diện NHNN, vốn tín dụng tăng thấp. Cụ thể, vốn vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm nay tăng 2,19%; BOT tăng 2,15% (vẫn thực hiện cho vay theo cam kết trước đó); riêng vốn tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán giảm 3,92%.
Tại TP.HCM - trọng tâm kinh tế của cả nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP.HCM cho biết, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm của Thành phố đạt mức 6,42% và dự kiến 6 tháng tăng khoảng 7,5%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Trong số 1,89 triệu tỷ đồng đã chảy vào nền kinh tế những tháng qua, có hơn 70% vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; 10,8% vào bất động sản và 13,2% vào chứng khoán và tiêu dùng.
Theo ông Minh, khác với giai đoạn 2007-2008 khi tín dụng vào bất động sản thường xuyên ở mức cao từ 31-33%, thì từ năm 2016 đến nay, vốn tín dụng bất động sản ở TP.HCM đã giảm mạnh, chỉ khoảng 10%.
"Cùng với đó, NHNN - Chi nhánh TP.HCM cũng thường xuyên cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố phải thực hiện nghiêm túc việc thẩm định cho vay, chỉ xét duyệt với các chủ đầu tư có năng lực tài chính, năng lực quản trị. Nhờ đó, nợ xấu trong lĩnh vực cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tại TP.HCM ở mức thấp, từ 2-2,5%", ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, một trong những giải pháp nhằm phòng ngừa rủi ro tín dụng bất động sản và nợ xấu phát sinh trong cơn sốt đất vừa qua, các ngân hàng thương mại đã thống kê giá đất bình quân trong 3-4 năm gần đây. Dựa vào đó, các ngân hàng chỉ cho vay khoảng 50% giá trị bất động sản được thẩm định, thay vì 70-80% như trước, nên không quá lo ngại rủi ro nợ xấu cho vay lĩnh vực này tăng cao.
Về phía ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay, chủ trương của Ngân hàng là không đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực bất động sản, nếu có thì chỉ cấp vốn cho những dự án hiệu quả, đầu ra tốt. Trong bối cảnh thị trường nhà đất đang ấm lên, thậm chí một vài khu vực còn "sốt nóng", nhất là với phân khúc đất nền, Vietcombank đã có phương án thẩm định giá mới, giảm hạn mức cho vay, nhằm hạn chế rủi ro khi rót vốn ở lĩnh vực này.
"Theo đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tính đến thời điểm hiện tại chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ của Vietcombank", ông Thành cho hay.
Cẩn trọng dấu hiệu "bong bóng" bất động sản
Tuy dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng theo giới chuyên gia, cần chú ý đến việc dư nợ tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng cao, lý do là bởi phần lớn dòng vốn này vẫn đang chảy vào nhà, đất. Thống kê cho thấy, tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng rất mạnh, cao gấp 3-4 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân cả nước.
Đặc biệt, tín dụng cho việc mua, sửa chữa nhà ở tăng tới 76,5% và chiếm gần 53% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Trong quý I/2018, tín dụng tiêu dùng tuy tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, đạt 3,8%, nhưng tỷ trọng lại cao hơn, chiếm 17,42% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,73% và chiếm tỷ trọng 14,92%).
"Điều này gây ra những lo ngại, bất chấp lĩnh vực tiêu dùng đang có sức hút rất lớn trên thị trường, bởi bản chất cho vay tiêu dùng là vay tín chấp. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ 'bong bong' tín dụng bất động sản lập lại là khó tránh, nhất là khi xu hướng lãi suất tái tăng", một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.
Các chuyên gia đưa ra cảnh báo, thị trường bất động sản Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu của "bong bóng" như giao dịch, giá cả, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng; các chủ thể tham gia thị trường, quy mô, giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án bất động sản cũng đang tăng...
"Hiện đang là thời điểm nhạy cảm đối với các nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua nhà. Trong khi đó, không chỉ căn hộ, cơn sốt đất nền cũng đang diễn ra khiến nguy cơ về 'bong bóng' thị trường bất động sản được cảnh báo liên tục", một chuyên gia nói.
Năm 2018, NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN, trong đó ưu tiên vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh...
Theo thống kê của NHNN, năm 2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng khoảng 8,5% - vẫn nằm trong ngưỡng an toàn (từ 8-10%).
Những lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất, đạt trên 100.000 tỷ đồng bao gồm: Cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở (102.413 tỷ đồng); cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công (100.083 tỷ đồng); cho vay kinh doanh khác (112.561 tỷ đồng).
Tuy chưa có dấu hiệu của “bong bóng" bất động sản, nhưng để hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng, NHNN mới đây đã ra văn bản số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Các tổ chức tín dụng cần thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, cũng như các khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp.
Theo Tin nhanh Chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy