Ngân hàng đau đầu vì nợ xấu ngày càng phình to. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, giãn, hoãn nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024 có thể khiến nợ xấu cao hơn hiện tại. Các chuyên gia cho rằng nợ xấu cũ chưa được xử lý xong lại chồng chất thêm nợ xấu mới, có thể gây áp lực đến tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại.
Ráo riết bán tài sản để thu hồi nợ
Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay.
BIDV vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 510 tỷ đồng của Công ty CP Sado Germany Window tại chi nhánh Đông Đồng Nai. Ngoài khoản nợ trên, BIDV cũng mới thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Xây dựng Nam Ninh và Công ty Đầu tư Thương mại Nam Ninh phát sinh tại BIDV Ninh Bình và BIDV Tam Điệp. Theo BIDV, giá trị ghi sổ khoản nợ của 2 công ty trên tạm tính đến ngày 29/10/2023 là gần 752,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 562,6 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 186,5 tỷ đồng, nợ lãi quá hạn 3,2 tỷ đồng.
Không chỉ riêng BIDV, Agribank cũng rao bán nhiều khoản nợ "khủng," được thế chấp bằng các dự án du lịch, nghỉ dưỡng lớn. Hồi tháng Tám, ngân hàng này đã chào bán khoản nợ của Công ty cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) với giá khởi điểm hơn 1.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của doanh nghiệp này là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản đấu giá gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc Dự án "Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia-Khu B" tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
Theo ghi nhận thực tế, nhiều ngân hàng khi xử lý tài sản bảo đảm bằng bất động sản phải rao bán hàng chục lần vẫn không thể bán được.
Đơn cử như tại VietinBank, ngân hàng này đã rao bán khoản nợ của Công ty Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà từ năm 2019 nhưng không bán được. Trong lần phát mại mới nhất, tài sản bảo đảm cho khoản nợ này (chủ yếu là bất động sản) được VietinBank đưa ra giá khởi điểm chỉ 142 tỷ đồng, tức là chưa bằng 10% khoản nợ phải thu của khách hàng này (gần 1.500 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi).
Chỉ trong tháng Mười, VIB ra tới 40 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất ở Bình Dương, Thành phô Hồ Chí Minh, Lâm Đồng… của khách hàng.
Hay tại VPBank, việc thu hồi nợ ngày càng khó khăn. Lãnh đạo VPBank minh họa bằng con số hơn 3.000 cán bộ thu hồi nợ tại ngân hàng này phải nghỉ việc kể từ đầu năm, trong khi tỷ lệ nợ xấu lại tăng lên. Đáng lo nhất là tình trạng bùng nợ chưa được xử lý, cả với bùng nợ cá nhân và doanh nghiệp.
Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu thông qua bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường đang rất khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng.
Không chỉ vậy, một số ngân hàng đang đứng trước nguy cơ tài sản thế chấp “bỗng dưng bốc hơi” do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu. Đứng trước áp lực nặng nề về nợ xấu và xử lý nợ xấu, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng, người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý cần có những quy định về quyền đòi nợ, xử lý nợ.
Nợ xấu chưa... đạt đỉnh
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tổng nợ xấu đến cuối quý 3/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.
Các chuyên gia cho rằng con số này chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng. Hiện tỷ lệ nợ xấu mở rộng phần nào cho thấy… nợ xấu chưa đạt đỉnh bởi thực tế việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào bất động sản, trong khi đó thị trường này chưa có dấu hiệu hồi phục.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét có nhiều lý do khiến tài sản bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không thu hút người mua. Phần lớn bất động sản phát mại đều là cao ốc văn phòng, đất nông nghiệp, nhà xưởng, kho bãi… của doanh nghiệp.
Những bất động sản này có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản sẽ không cao bằng căn hộ, nhà phố. Nếu tài sản là nhà xưởng, máy móc gắn liền với bất động sản thì theo thời gian, các tài sản này sẽ xuống cấp, không còn hấp dẫn người mua. Dù tài sản đã được ngân hàng thẩm định kỹ trước khi cho vay nhưng vẫn có nguy cơ rủi ro pháp lý, các thủ tục xử lý tài sản này vẫn còn chậm so với mua trực tiếp từ chủ đầu tư…
Chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng những rủi ro khiến nợ xấu xấu phình to trong năm sau có thể đến từ Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào tháng 06/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ. Ngoài ra, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, con số nợ xấu của ngân hàng hiện nay chưa phản ánh hết thực tế nhờ được tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023. Do đó, khi thông tư này hết hiệu lực, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng. Hay nói cách khác, nợ xấu ngân hàng chưa đạt đỉnh và còn đi lên trong thời gian tới.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng Chín, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140.000 tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Số nợ này sẽ có nguy cơ trở thành nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực.
Không chỉ vậy, hành lang pháp lý đối với xử lý nợ xấu sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống. Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang năm mới được trình Quốc hội thông qua.
Do đó, nhiều ngân hàng bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời gian đối với Thông tư 02 để hỗ trợ trong công tác xử lý nợ xấu.
Để giảm bớt áp lực cho các ngân hàng, Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu đề xuất gia hạn Thông tư 02. Thực tế, thông tư này có ưu điểm là hỗ trợ thiết thực các ngân hàng, doanh nghiệp, song cũng có nhược điểm là phần nào “che” bớt bức tranh nợ xấu thật của hệ thống ngân hàng.
Cũng trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư 02/2023; rà soát lại một số thông tư khác như Thông tư 03/2023, Thông tư 06/2023 và Thông tư 10/2023 để phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy