Dòng sự kiện:
Chứng khoán APEC có Tổng Giám đốc mới thay thế ông Nguyễn Đỗ Lăng
10/08/2023 17:43:13
Chứng khoán APEC đã miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Đỗ Lăng và bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Quân làm Tổng Giám đốc thay thế.

Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, HNX: APS) vừa thông báo miễn nhiệm Tổng Giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng và và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thanh từ ngày 9/8/2023.

Đồng thời, Chứng khoán APEC bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Quân làm Tổng Giám đốc, Người đại diện pháp luật, Người phụ trách quản trị công ty kể từ ngày 9/8/2023.

Ông Nguyễn Đức Quân - Tân Tổng Giám đốc Chứng khoán Apec.

Theo thông tin từ Chứng khoán APEC, ông Quân hiện đang là Thành viên Ban Kiểm soát, Giám đốc kinh doanh tại công ty. Ông Quân gia nhập công ty từ năm 2009 với chức vụ nhân viên phòng Dịch vụ Chứng khoán, đến năm 2020 ông đảm nhiệm chức vụ Giám đốc khối Kinh doanh Chứng khoán. Ngoài ra, ông còn là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (doanh nghiệp thuộc họ Apec).

Cùng với đó, Chứng khoán APEC bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng kiểm soát nội bộ vào vị trí Người phụ trách công bố thông tin của công ty.

Sau khi dàn lãnh đạo công ty bị khởi tố bắt tạm giam, đây là thay đổi lãnh đạo cấp cao mới nhất tại Chứng khoán APEC. Trước đó ngày 28/6, Cơ quan An ninh điều tra – Công an Tp.Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán APEC, CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán gồm Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc APS, Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng, Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT APS, Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng APS và Phạm Thị Đức Việt - Phó Phòng dịch vụ khách hàng.

Dù gặp biến cố song kết quả kinh doanh của Chứng khoán APEC vẫn tương đối tích cực. Trong quý II/2023, doanh thu hoạt động của APS đạt gần 233,5 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ; phần tăng chủ yếu là lãi từ các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ghi nhận tăng gấp 14 lần lên 225,6 tỷ đồng.

Cấn trừ đi các chi phí, APS báo lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng, cách xa khoản lỗ 362,7 tỷ đồng cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của APS đạt 360,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lãi sau thuế ghi nhận hơn 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 304,3 tỷ đồng.

Như vậy, so với mục tiêu năm 2023 đem về 855 tỷ đồng doanh thu và 230 tỷ đồng lãi sau thuế, APS đã thực hiện được 42% và 20% chỉ tiêu cả năm sau 6 tháng.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của APS ghi nhận ở mức 1.022,8 tỷ đồng, tăng gần 5% so với hồi đầu năm và chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 966 tỷ đồng. Cuối quý II, các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) có giá trị gốc gần 679 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm, trong đó các cổ phiếu niêm yết có giá gốc 454,6 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị hợp lý chỉ hơn 313 tỷ đồng, tương ứng công ty đang tạm lỗ 142 tỷ đồng.

Diễn biến thị giá cổ phiếu APS (Nguồn: FireAnt).

Trên thị trường chứng khoán, sau 1 tháng cổ phiếu APS lao dốc từ 15.800 đồng/cổ phiếu xuống 5.700 đồng/cổ phiếu do lùm xùm lãnh đạo cấp cao bị bắt, đến nay cổ phiếu này hồi phục 42%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, mã APS dừng ở mức 8.000 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Trần Thị Tú Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến