Dòng sự kiện:
Chứng khoán BOS hoạt động ra sao trước khi Phó Tổng Giám đốc bị bắt?
06/04/2022 19:18:15
Em gái ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán có liên hệ trực tiếp với công ty này khi là Phó Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT.

Người nhà ông Trịnh Văn Quyết làm lãnh đạo

Chứng khoán BOS tiền thân là Chứng khoán Artex. Công ty này được thành lập năm 2008, với vốn điều lệ 135 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này được FLC mua lại vào năm 2019, sau đó mới đổi tên thành Chứng khoán BOS như hiện nay. Khi niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào tháng 9/2018, mã cổ phiếu của công ty vẫn được giữ nguyên là ART. Theo giới thiệu, các ngành nghề chính của công ty là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.

Nhờ công ty này, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC Group có chỗ dựa pháp lý tin cậy để hỗ trợ các hoạt động huy động vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu…

Chứng khoán BOS hiện do bà Hương Trần Kiều Dung làm Chủ tịch HĐQT. Bà Dung từng có nhiều năm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, dù không còn giữ vai trò Tổng Giám đốc tại tập đoàn này nhưng bà vẫn là phó tướng của ông Trịnh Văn Quyết với vai trò Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC. Ngoài ra, bà Dung còn đang giữ nhiều chức vụ trong hệ sinh thái FLC khi là Thành viên HĐQT của FLCHomes (một công ty mới đây bị xử phạt 145 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch và chậm công bố thông tin theo quy định), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FLC Faros, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FLC Travel, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Nông sản Fam.

Các Thành viên HĐQT của Chứng khoán BOS. (Nguồn: Báo cáo quản trị năm 2021)

Bà Hương Trần Kiều Dung có hơn 10 năm kinh nghiệm giữ các chức vụ quản lý, lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp quy mô lớn như: Trưởng Phòng Pháp lý và tổ chức, Giám đốc Dự án Aid_coop thuộc Tổ chức Gret (Pháp), Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Nam.

Ngoài ra, các thành viên HĐQT của Chứng khoán BOS còn lại gồm: ông Chu Tiến Vượng - hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS; ông Lê Bá Nguyên (anh rể ông Trịnh Văn Quyết), bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ruột ông Trịnh Văn Quyết, mới đây bị khởi tố, tạm giam do là đồng phạm, giúp sức cho anh trai thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán và là Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS); bà Nguyễn Quỳnh Nga (Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS).

Chứng khoán BOS hiện có gần 97 triệu cổ phiếu đang lưu hành, với vốn hóa đến ngày 6/4 là 795 tỷ đồng. Dù có lượng cổ phiếu trôi nổi lớn, nhưng công ty này chỉ có một cổ đông lớn chính thức là bà La Mỹ Phượng, hiện sở hữu 6,19% cổ phần với 6 triệu cổ phiếu. Ông Trịnh Văn Quyết cũng chỉ sở hữu 3,156 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 3,2% và không trực tiếp nắm giữ chức vụ nào tại công ty chứng khoán này.

Nợ gấp gần 12 lần tổng tài sản

Chứng khoán BOS từng trải qua thời kỳ kinh doanh hoàng kim vào năm 2017. Năm 2017, công ty này đạt kỷ lục về doanh thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán với 154 tỷ đồng và lợi nhuận lên tới 113,3 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, Chứng khoán BOS lọt top 10 thị phần môi giới tại sàn niêm yết lớn nhất. Điều này nhờ vào cổ phiếu FLC và ROS vẫn thường xuyên đứng đầu về thanh khoản trên sàn chứng khoán. Thậm chí, sự bứt phá của 2 cổ phiếu này còn giúp định giá tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết vượt 2 tỷ USD và trở thành người giàu nhất Việt Nam, trước khi lao dốc.

Tính đến hết năm 2021, Chứng khoán BOS có quy mô hoạt động chỉ 51 nhân sự. Năm 2021 ghi nhận thị trường chứng khoán bùng nổ về thanh khoản và nhiều đơn vị trong ngành tăng trưởng vài trăm phần trăm về doanh số, doanh thu môi giới chứng khoán của BOS chỉ đạt 35 tỷ đồng, tăng nhẹ 3 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020. Tổng doanh thu hoạt động của công ty giảm gần 40% so với năm 2020 xuống 94 tỷ đồng.

Danh mục cổ phiếu mà Chứng khoán BOS nắm giữ hầu hết cũng là các mã liên quan đến "họ FLC". Cổ phiếu GAB của Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB) chiếm đến 90% danh mục tự doanh của công ty này. Chứng khoán BOS cũng nắm trong tay nhiều cổ phiếu chưa niêm yết liên quan đến tập đoàn FLC như cổ phiếu FCA của Công ty Cổ phần vốn và Quản lý tài sản FLC hay FHH của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển bất động sản FLCHomes.

Khấu trừ các chi phí, Chứng khoán BOS đạt lợi nhuận 33,8 tỷ đồng trong năm 2021, tuy còn cách xa thời kỳ hoàng kim song so với mức 1,5 tỷ đồng năm 2020, con số này được coi là bứt phá mạnh.

Tổng tài sản của doanh nghiệp này cũng chỉ gần 1.200 tỷ đồng. Vốn góp của chủ sở hữu là 970 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần nợ phải trả lên tới gàn 14.000 tỷ đồng (tính đến hết năm 2021). Tất cả đều là nợ ngắn hạn.

Chứng khoán BOS hiện vẫn cấp hạn mức cho nhà đầu tư vay ký quỹ với các cổ phiếu FLC, ROS, AMD, KLF, HAI nhưng đã hạ tỉ lệ cho vay ký quỹ với nhóm cổ phiếu này từ 50% xuống 30%, hôm 1/4.

Bản thân cổ phiếu ART của chính Chứng khoán BOS cũng có mức biến động giá rất mạnh tương tự các mã thuộc "họ FLC". Sau thời gian dài liên tục được giao dịch dưới mệnh giá, cổ phiếu ART tăng mạnh từ quý IV/2021 và lập đỉnh hơn 18.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 1/2021. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó lại lao dốc rồi tăng trần bất thường theo biến động của nhóm này, kết phiên ngày 6/4, mã này dừng ở mức 8.200 đồng/cổ phiếu, giảm 7,8% so với phiên hôm qua.

Kết phiên ngày 6/4, mã ART dừng ở mức 8.200 đồng/cổ phiếu, giảm 7,8% so với phiên hôm qua. (Ảnh: FireAnt)

Ngày 5/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu báo cáo dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của một loạt cổ phiếu có liên quan ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC.

Cụ thể, cơ quan quản lý chứng khoán cho biết để thực hiện công tác quản lý, giám sát về tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán trên thị trường theo quy định tại Thông tư 121/2020 của Bộ Tài chính, yêu cầu các công ty chứng khoán báo cáo về dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán đối với một số mã chứng khoán thuộc "họ FLC".

Các cổ phiếu này bao gồm FLC (Tập đoàn FLC); AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone); KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS); ART (Chứng khoán BOS); HAI (Nông dược H.A.I); ROS (Xây dựng FLC Faros); GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC).

Trong đó, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu báo cáo cụ thể dư nợ cho vay margin của tất cả tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại công ty và số lượng chứng khoán ký quỹ làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay này, tương ứng với từng mã chứng khoán. Theo yêu cầu của cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán phải gửi báo cáo về Ủy ban trước ngày 8/4.


Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến