Dòng sự kiện:
Chứng khoán đỏ lửa, bất động sản chao đảo vì hiệu ứng domino của Evergrande
22/09/2021 06:18:28
Trong bất kỳ kịch bản vỡ nợ nào, Evergrande sẽ cần phải tái cơ cấu trái phiếu nhưng các nhà phân tích cho rằng tỉ lệ thu hồi là rất thấp đối với các nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán tràn ngập sắc đỏ 

Các chuyên gia cảnh báo rằng khoản nợ trị giá 305 tỷ USD của Evergrande nếu không được kiểm soát có thể gây ra rủi ro lớn đến hệ thống tài chính của toàn đất nước. Nguy cơ vỡ nợ đã khiến giá cổ phiếu tập đoàn bất động sản khổng lồ của Trung Quốc - Evergrande giảm chóng mặt trong phiên giao dịch 20/9 tại thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc).

Cụ thể vào thứ Hai 20/9, cổ phiếu Evergrande được ghi nhận đã giảm tới 19%, xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm. Điều này đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư ngày càng quan ngại về triển vọng phục hồi của công ty khi thời hạn thanh toán nợ đang đến cận kề trong tuần này. Tính đến phiên buổi chiều 20/9, cổ phiếu công ty chạm mức 0,26 USD trước kỳ nghỉ lễ Trung thu, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010.

Trong phiên, cổ phiếu các công ty con của Evergrande cũng không thoát khỏi vòng xoáy giảm điểm. Cổ phiếu Công ty phát trực tuyến Hengten Net, do Evergrande sở hữu phần lớn, cũng giảm mạnh 14%.

Khó khăn tài chính của Evergrande cũng không chỉ gây áp lực lên lĩnh vực bất động sản mà còn cả đồng NDT, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần qua.

Chỉ số Bất động sản Hang Seng giảm 6,6%, mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Henderson Land giảm 12%, Sun Hung Kai Properties Ltd giảm 9,1%, CK Asset Holdings Ltd giảm 7,9%.

Theo Reuters, cổ phiếu Nikkei Nhật Bản đã giảm 2% vào đầu phiên giao dịch 21/9. Con số này ở chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật bản là 0,2%. Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) hôm 21/9 vẫn đóng cửa vì kỳ nghỉ Trung thu trong khi thị trường Hàn Quốc đóng cửa đến hết ngày 22/9. 

Chỉ số đo lường bất động sản Hồng Kông (Trung Quốc) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. ẢNH: Bloomberg.

Hiệu ứng domino

Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về “hiệu ứng domino” trong ngành bất động sản Trung Quốc nếu Evergrande đổ vỡ. Theo Jenny Zeng, nhà phân tích của Hãng tài chính AllianceBernstein, cảnh báo rằng những công ty bất động sản Trung Quốc đang trong tình trạng thanh khoản khó khăn có thể bị đẩy tới bờ vực sụp đổ vì cuộc khủng hoảng Evergrande. Dù từng công ty như vậy chỉ có quy mô nhỏ so với Evergrande nếu đứng riêng lẻ, nhưng gộp lại, những công ty đó chiếm tới 10-15% toàn thị trường bất động sản Trung Quốc.

Tình hình tài chính của các công ty bất động sản càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt các quy định nhằm hạn chế chi phí đi vay của nhóm doanh nghiệp này như áp trần nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn.

Loay hoay đến ngày trả lãi

Từ Chủ nhật 19/9, Evergrande cho biết đã bắt đầu trả nợ cho các nhà đầu tư bằng bất động sản. Các nhà hoạch định chính sách đang yêu cầu những chủ nợ lớn của Evergrande gia hạn thanh toán trả lãi hoặc cho vay tuần hoàn. 

Evergrande sẽ trả lãi 83,5 triệu USD vào ngày 23/9 cho trái phiếu tháng 3/2022. Công ty có một khoản trả lãi khác trị giá 47,5 triệu USD đến hạn vào ngày 29/9 cho các trái phiếu tháng 3/2024. Cả hai trái phiếu có thể vỡ nợ nếu Evergrande không thanh toán tiền lãi trong vòng 30 ngày kể từ ngày kỳ hạn thanh toán.

Lực lượng an ninh tại trụ sở Evergrande ở tỉnh Quảng Đông vào ngày 13/9. ẢNH: Reuters

Trong bất kỳ kịch bản vỡ nợ nào, Evergrande sẽ cần phải tái cơ cấu trái phiếu nhưng các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ thu hồi là rất thấp đối với các nhà đầu tư. 

Tác giả: Phạm Thu Thanh (theo CNBC, Aljazeera)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến