Dòng sự kiện:
Chứng khoán: Dòng tiền rút lui, nhưng không rời bỏ
21/08/2019 10:08:19
Dòng tiền đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu không ngủ yên. Mỗi khi có biến động, dòng tiền cũng chuyển động mạnh, nhưng không rời bỏ lĩnh vực đầy cơ hội này.

Tiền rút lui khỏi thị trường mới nổi

Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã giảm 11,8% kể từ mức đỉnh gần nhất đạt được vào tháng 4/2019. Theo số liệu từ Viện Tài chính quốc tế (Institute of International Fianance), 6,8 tỷ USD được rút ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu khu vực thị trường mới nổi trong tuần từ 5/8 - 9/8, mức nhanh nhất kể từ năm 2015. Trong đó, khoảng 2 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dòng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi và tạo tác động lan toả. “Thị trường Trung Quốc càng dễ tổn thương thì mối lo ngại về các thị trường mới nổi càng lớn, bởi đa phần các thị trường mới nổi xuất khẩu lượng lớn hàng hoá tới Trung Quốc, không phải tới Mỹ.

Trong ngắn tới trung hạn, bất kỳ nhà đầu tư nào rót tiền vào khu vực này đều phải cẩn thận với ngọn lửa chiến tranh. Ðây rõ ràng là một môi trường đầu tư với rủi ro cao”, Joseph Quinlan, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường của Merrill và Bank of American Private Bank cho biết.

Thực tế, 3 quỹ ETF lớn nhất đầu tư vào khu vực thị trường mới nổi là VWO, EEM và IEMG đã chứng kiến lượng tiền đổ vào giảm kể từ tháng 2/2019 cho tới nay (xem bảng).

Dòng tiền đầu tư chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.

Một vấn đề khác của các thị trường mới nổi là việc đồng USD đang phô diễn sức mạnh. Các quốc gia mới nổi sở hữu nhiều khoản nợ bằng USD, vì vậy đồng bạc xanh càng mạnh thì vị thế của khu vực này càng yếu. Chưa kể, việc Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ rớt giá dẫn tới mối lo hàng loạt nền kinh tế đang phát triển khác sẽ nới lỏng tiền tệ hoặc điều chỉnh giá trị nội tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Trong tương lai, giới chuyên gia cho rằng, xung đột thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng kinh tế. Diễn biến này kéo lùi đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là các quốc gia ít có dư địa điều chỉnh tiền tệ và đang áp dụng sẵn chính sách nới lỏng để hỗ trợ kinh tế.

“Việc dòng tiền chảy ra khỏi thị trường mới nổi nhiều khả năng sẽ còn tệ hơn. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế bên ngoài nước Mỹ tiếp tục yếu đi và các thị trường mới nổi sẽ không thể phô diễn sức mạnh trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục toả sức nóng”. Sameer Samara, Chiến lược gia cấp cao thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute cho biết.

Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi chịu áp lực giảm trước sức mạnh của USD.

Tương tự với các thị trường mới nổi, một số thị trường cận biên trong đó có Việt Nam cũng chứng kiến dòng tiền khối ngoại rút lui khỏi thị trường. Theo số liệu mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong khoảng thời gian 1/8 - 15/8 đạt 1.613,5 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ đầu năm 2019.

Dù tính chung kể từ đầu năm tới nửa đầu tháng 8, khối ngoại vẫn đang giữ vị thế mua ròng với giá trị đạt gần 8.300 tỷ đồng, nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì con số này chỉ bằng gần 28%.

Khối ngoại vẫn chờ đợi cơ hội vào Việt Nam

Dòng tiền đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu không ngủ yên, một khi có biến động, dòng chảy này có thể quay đầu nhưng không rời bỏ. Thực tế này đang được chứng minh tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài đang “nhún vai” trước những áp lực tới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng vẫn và đặt niềm tin vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như kế hoạch bán cổ phần, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Tôi không thay đổi quan điểm của mình. Chúng tôi đầu tư vào một quốc gia và điều này đòi hỏi cái nhìn trong dài hạn”, Federico Parenti, nhà quản lý khối tài sản 3 tỷ USD tại Quỹ đầu tư Sempione Sim (Milan) cho biết. Cổ phiếu Vinamilk và Sabeco nằm trong danh mục đầu tư của Quỹ này.

 Trong 12 tháng tính tới ngày 14/8/2019, nhà đầu tư nước ngoài đã rót 843 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay cả khi chỉ số VN-Index giảm 0,9% trong giai đoạn này.

Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng 9,7%, mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường Ðông Nam Á và vượt trên 0,8% so với chỉ số MSCI AC ASEAN. Bối cảnh TTCK Việt Nam như vậy và nhiều đợt thoái vốn DNNN sẽ phải thực hiện trong thời gian tới mở là những yếu tố được kỳ vọng sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Nếu như năm 2018, các hoạt động IPO tại Việt Nam ghi nhận giá trị lên đến 5,09 tỷ USD, thì 6 tháng đầu năm nay, hoạt động IPO mới thu hút khoảng 5,16 nghìn tỷ đồng (222 triệu USD). Môi trường đầu tư được cải thiện, cùng với việc nền kinh tế tăng trưởng trên 6% mỗi năm là “chỉ dẫn cho thấy một thị trường vốn còn nhiều hấp dẫn”, Mark Mobius, người điều hành Mobius Capital Partners LLP nhận định. 

Những yếu tố bất ổn là một phần của thị trường và sẽ tiếp tục bao phủ phần còn lại của năm, tuy nhiên, theo tôi, nó sẽ không gây ra những đứt gãy lớn

 
Ông Mike Lynch, Giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI.
 
Hiện nay, xu hướng chung trên toàn cầu là giới đầu tư cắt giảm tỷ trọng nắm giữ các tài sản rủi ro bởi mối lo ngại nền kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái. Trong những giai đoạn như vậy, nhà đầu tư thường rút lui khỏi các thị trường mới nổi và cả các thị trường cận biên, trong đó có Việt Nam, để đầu tư vào các tài sản mang tính an toàn cao hơn như trái phiếu hoặc các công cụ mang tích tự vệ tốt hơn tại các thị trường phát triển. Ðây là diễn biến vẫn thường diễn ra.

Ða phần các chuyên gia kinh tế dự báo cuộc suy thoái tiếp theo sẽ diễn ra trong vài tháng tới và xung đột thương mại Mỹ - Trung là động lực thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh này, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi trực tiếp từ các xung đột thương mại và những nhà đầu tư nhanh nhẹn nên tận dụng cơ hội bằng cách lựa chọn các doanh nghiệp sẽ có hoạt động tốt trong môi trường hiện nay. Chẳng hạn, nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản khu công nghiệp và các lĩnh vực liên quan như ngân hàng…

Theo tôi, xung đột thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực, thay vì tiêu cực trong 12 tháng tới, nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm tới. Ví dụ điển hình là việc Mỹ đã trì hoãn áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc sang tháng 12/2019, sau khi các ngày lễ mua sắm lớn diễn ra. Bước tiến lớn nhất của quá trình này có thể là một thỏa thuận thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí là giữa Mỹ và Việt Nam.

Những yếu tố bất ổn là một phần của thị trường và sẽ tiếp tục bao phủ trong phần còn lại của năm, tuy nhiên, theo tôi, nó sẽ không gây ra những đứt gãy lớn đối với thị trường chứng khoán. Tôi không ngạc nhiên nếu thị trường chứng khoán Việt Nam tăng hoặc giảm 5% cho tới cuối năm, với một số cổ phiếu nhất định có màn biểu diễn vượt trội so với thị trường chung.

Tôi giữ góc nhìn tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Dự đoán cá nhân của tôi là thị trường sẽ tăng trưởng 10% trong năm 2019 với chỉ số VN-Index ở mức hơn 1.080 điểm vào cuối năm. 

Thị trường bị bán tháo quá đà bởi các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo (AI) trong giao dịch

Ông Tsuyoshi Imai, CEO Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI).

Tổng thống Mỹ Donald Trump biết rằng, chính quyền của ông cần có sự thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong thời gian tới, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến gần. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cố gắng kéo dài thời gian nhằm đạt được những lợi thế nhất định trên bàn đàm phán.

Một trong những diễn biến thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường trong những ngày vừa qua là việc đường cong lợi suất đảo ngược tại Mỹ và Anh. Lịch sử cho thấy, đường cong lợi suất phản ánh khác chính xác cảm nhận của thị trường về nền kinh tế, nhất là lạm phát. Ðường cong lợi suất đảo ngược là chỉ báo cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Ðiều này đã khiến các TTCK toàn cầu lao dốc trong những phiên vừa qua.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường bị bán tháo quá đà bởi các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo (AI) trong giao dịch. Các chương trình này được lập trình bán ra khi đường cong lợi suất đảo ngược.

Hiện tại, các nhà đầu tư lớn trên thị trường, ví dụ các quỹ đầu cơ đang luân phiên rót tiền vào các thị trường, trong đó có trái phiếu nhằm kiếm lời ở mức tốt hơn. Tuy nhiên, họ vẫn tìm kiếm cơ hội để lựa chọn các cổ phiếu tốt tại các thị trường mới nổi. Tôi đã chứng kiến một số nhà đầu tư tổ chức chọn một số cổ phiếu tại Việt Nam đưa vào danh mục của mình. Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn ổn định và nền kinh tế tăng trưởng, tôi giữ quan điểm tích cực đối với thị trường Việt Nam.

Trong thời gian tới, nếu các rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài dần được gỡ bỏ, nhiều nhà đầu tư sẽ sẵn sàng rót vốn vào thị trường Việt Nam, không riêng khối các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản). Bên cạnh đó, các sản phẩm chứng chỉ lưu ký và chứng quyền bảo đảm đang được xem là công cụ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng như vậy là chưa đủ.

Theo Đầu tư chứng khoán

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến