Dòng sự kiện:
Chứng khoán gay cấn như 'đánh trận', được nhà, mất xe trong gang tấc
18/06/2021 11:04:11
17/6 là một phiên giao dịch đầy cảm xúc đối với giới đầu tư chứng khoán. Nếu như đầu phiên thị trường "tù mù", chỉ số lao dốc thì đến phiên chiều, sự hưng phấn trở lại, trào lưu khoe lãi nở rộ.

Lại "bịt mắt" dò lệnh đầu phiên

Thị trường chứng khoán vừa mở cửa phiên giao dịch ngày 17/6 thì sắc đỏ đã bao trùm khắp các sàn, chỉ số lao dốc. Tuy nhiên, đáng nói là nhà đầu tư vẫn bị "bịt mắt" và dò dẫm đoán tình hình.

Bảng giá của một số công ty chứng khoán hoàn toàn đơ, nghẽn khiến nhà đầu tư không thể cập nhật diễn biến thị trường cũng như không rõ cổ phiếu mình nắm giữ đang diễn biến ra sao.

Đó là những trải nghiệm không mấy dễ chịu khi thị trường phiên hôm nay được cho là sẽ biến động mạnh do đáo hạn phái sinh cùng với ảnh hưởng về mặt tâm lý từ diễn biến trên thị trường tài chính và hàng hóa quốc tế.

Tuy nhiên, qua 20 phút đầu, áp lực bán giảm dần đã giúp thị trường hồi phục đáng kể. Kết phiên sáng, VN-Index giảm 4,35 điểm tương ứng 0,32% còn 1.352,17 điểm; trong khi đó, VN30-Index đang đánh mất tới 11,13 điểm tương ứng 0,76% còn 1.454,45 điểm.


Thị trường biến động mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh 17/6 (Ảnh chụp màn hình).

HNX-Index ngược lại, đã đạt được trạng thái xanh, nhích nhẹ 0,01 điểm lên 313,66 điểm; UPCoM-Index cũng dừng sát ngưỡng tham chiếu, giảm nhẹ 0,03 điểm còn 88,79 điểm.

Thanh khoản là yếu tố rất đáng lưu tâm với thị trường giai đoạn này. Với 423,74 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX, giá trị giao dịch trên sàn này đã bó hẹp đáng kể, chỉ còn đạt 12.088,07 điểm.

HNX cũng chỉ có 82,96 triệu cổ phiếu tương ứng 1.963,14 tỷ đồng; UPCoM có 36,92 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 719,26 tỷ đồng.

Có thể thấy sự thận trọng đang dâng cao trong giới đầu tư. Việc thanh khoản giảm nhưng chỉ số cũng không bị điều chỉnh quá mạnh cho thấy nhiều nhà đầu tư trong khi ưu tiên giữ vị thế tiền mặt, không vội vàng giải ngân song cũng không hoảng loạn bán ra bằng mọi giá.

Số lượng mã giảm đến hết phiên sáng đã thu hẹp còn 415 mã, có 12 mã giảm sàn, không chênh lệch nhiều so với 392 mã tăng, 33 mã tăng trần.

Nhiều cổ phiếu trong rổ VN30 bị điều chỉnh, trong đó chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng. VPB giảm 2,1%; HDB giảm 1,8%; CTG giảm 1,6%; TCB giảm 1,4%... Những cổ phiếu lớn như VIC, MSN, VHM giảm giá cũng khiến thị trường chịu nhiều áp lực.

Ngược lại, SBT tăng 3,3%; MWG tăng 2,9%; POW tăng 2,9%; GAS tăng 1,8%; PLX tăng 1,6%. Cổ phiếu dầu khí vào nửa sau của phiên buổi sáng hồi phục khá nhanh và hầu hết đang tăng giá. PVD tăng 3,3%; PLC tăng 2,6%; PVS tăng 2,4%; PVB tăng 1,8%...

Cổ phiếu ngành nhựa, bao bì; cao su; phân bón; thủy sản đều đang thu hút dòng tiền nhà đầu tư. AAA tiếp tục tăng thêm 5,03%; HII tăng 2,44%; HKP tăng 12,64%; DGC tăng 1,6%; DCM tăng 2,54%; DPM tăng 0,94%; TSC tăng 2,19%...

Đảo chiều

Đến phiên chiều, thị trường đảo chiều một cách ngoạn mục. Lực cầu gia tăng mạnh mẽ giúp các chỉ số bật tăng. Với tâm lý vững vàng hơn, nhiều nhà đầu tư quyết định mua đuổi cổ phiếu ở mức giá xanh, giúp VN-Index có lúc đạt 1.364 điểm trước khi thu hẹp ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), ấn định tăng 3,4 điểm tương ứng 0,25% lên 1.359,92 điểm. Trong khi đó, VN30-Index vẫn giảm 3,67 điểm tương ứng 0,25% còn 1.461,91 điểm.

HNX-Index cũng diễn biến rất tích cực, tăng 3,42 điểm tương ứng 1,09% lên 317,07 điểm; UPCoM-Index tăng 0,73 điểm tương ứng 0,82% lên 89,55 điểm.

Thanh khoản toàn phiên trên HSX đạt 22.518,03 tỷ đồng với khối lượng giao dịch đạt 768,72 triệu đơn vị. HNX có 146,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.332,22 tỷ đồng; UPCoM có 68,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.251,42 tỷ đồng.

Kết quả này khiến giới đầu tư vỡ òa vì gần như vượt ngoài dự đoán của số đông. Với việc VN-Index trở lại ngưỡng 1.360 điểm, nhà đầu tư có quyền hi vọng vào diễn biến tích cực hơn ở phiên ngày mai khi các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Tổng kết lại ngày 17/6, toàn thị trường có 525 mã tăng giá, 47 mã tăng trần so với 356 mã giảm, 13 mã giảm sàn. Dòng cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng bắt đầu cho thấy sự "hồi sinh".

Mặc dù có nhiều mã ngân hàng vẫn giảm nhưng biên độ giảm đã thu hẹp đáng kể, mức giảm đều dưới 1% như PGB, HDB, TPB, ABB, BAB, EIB, SSB. Trong khi đó, NVB tăng 5,5%; LPB tăng 5,4%; MBB tăng 3,1%; OCB tăng 2%; VBB tăng 1,1%; NAB tăng 1%...

Tương tự với cổ phiếu ngành chứng khoán. Sau khi bị bán mạnh trong phiên hôm qua, sáng nay nhiều mã cổ phiếu chứng khoán đã tăng trở lại. MBS, SBS, BSI, SHS, SSI đều tăng tốt, VND tăng 2,8%; AAS tăng 3,8%; ART tăng 4%, đặc biệt là VDS tăng kịch trần.

Cổ phiếu penny và "họ" FLC có một phiên "bung nóc". FLC, ROS tăng trần, KLF tăng 7,8%; AMD tăng 6%; HAI tăng 5,1%; ART tăng 4%.

Hầu hết cổ phiếu "họ" FLC tăng mạnh (Ảnh chụp màn hình).

VN-Index phiên hôm nay có biên độ dao động trong khoảng 20 điểm. Theo đó, với những nhà đầu tư kịp bắt đáy cổ phiếu ở đầu phiên và bán ra một lượng tương ứng cổ phiếu có sẵn trong danh mục ở vùng giá cao cuối phiên (lướt T0) đã có thể thu lãi đậm, nhất là với những nhà đầu tư có giá trị tài khoản (NAV) lớn.

Trong khi có những người "không chịu được nhiệt" đã bán cắt lỗ cổ phiếu đầu phiên sáng thì cũng có người khoe lãi hàng tỷ đồng khi danh mục có những cổ phiếu bứt tốc tăng trần vào cuối phiên.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, đóng cửa phiên giao dịch 16/6, chỉ số Dow Jones mất 0,77%, còn 34.033,67 điểm; S&P 500 mất 0,54%, còn 4.223,7 điểm trong khi Nasdaq cũng đánh rơi 0,24%, còn 14.039,68 điểm. Chứng khoán Mỹ phản ứng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó.

Tuy vậy, Fed vẫn cam kết sẽ đợi cho tới khi "có thêm bước tiến quan trọng" về phục hồi tăng trưởng và thị trường lao động rồi mới bắt đầu chuyển sang chính sách tiền tệ phù hợp với một kinh tế hoàn toàn mở cửa. Ngoài ra, Fed cũng giữ nguyên lãi suất ở khoảng 0-0,25% và tiếp tục bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu.

Tác giả: Mai Chi

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến