Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, làm được không?
18/05/2015 15:43:16
Trong hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu, các nhà đầu tư không hề quan tâm đến quyền sở hữu nợ xấu mà quan tâm về rủi ro và lợi nhuận thu được. Do đó, giá trị các khoản chứng khoán này phụ thuộc vào nhà phát hành, tỷ lệ phục hồi của nợ và các quy định pháp lý liên quan.

Tin liên quan

Nợ xấu không phải là chuyện của riêng Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt, nhưng ở các mức độ khác nhau. Tính trong giai đoạn 2012 – 2014, tỷ lệ nợ xấu của các nước trên thế giới tăng mạnh, và đang ở mức 4,3%.

Nếu tách riêng chỉ số nợ xấu theo nhóm nước thì nhóm các quốc gia đang phát triển luôn dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu hiện hữu trên 2 con số. Nhóm các quốc gia này (bao gồm cả Việt Nam) đều có những nguyên nhân phát sinh nợ xấu tương tự nhau như: tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, hệ thống tài chính phụ thuộc phần lớn hệ thống ngân hàng, hạ chuẩn vay ở nhiều ngân hàng đối với khách hàng, và sự phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản.

Do đó, nợ xấu không chỉ là vấn đề nhức nhối của hệ thống tài chính Việt Nam, mà là của cả thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ý thức xử lý nợ xấu và lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng được triển khai quyết liệt và đầy chủ động. Dưới lăng kính của hoạt động xử lý nợ xấu và sự hình thành của thị trường mua bán nợ của nhiều quốc gia trên thế giới, có thể khẳng định, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đi đúng hướng và manh nha hình thành nên giai đoạn đầu tiên của thị trường mua bán nợ.

Ảnh minh hoạ.

Các ngân hàng trên thế giới thường xử lý nợ xấu bằng cách nào?

Dưới sức ép của tài sản sụt giảm, sự ràng buộc về thanh khoản theo Basel II & III và áp lực về “làm đẹp” bảng cân đối kế toán, các ngân hàng phải chủ động chọn chiến lược xử lý nợ xấu phù hợp. Tựu chung lại, các ngân hàng có 3 cách tiếp cận trong hoạt động này:

- Giữ lại khoản nợ xấu (Keep): theo thống kê có đến 60% các khoản vay quá hạn được hoàn trả trong 90 ngày. Các khoản nợ này được ngân hàng hy vọng hoàn trả và tự xử lý theo cơ cấu nợ hoặc đôn đốc thu nợ. Tuy nhiên, khi số lượng nợ trên 90 ngày ngày càng nhiều và được tích lũy với giá trị lớn thì các ngân hàng không thể tự xử lý mà cần sự can thiệp bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chuyển sang các phương thức xử lý nợ khác.

- Bán nợ xấu (Sell): nợ xấu được bán cho tổ chức thứ ba thông qua đấu giá kín, đấu giá mở, bán ngay (outright sale), hoặc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu. Và hoạt động bán ngay (outright sale) được sử dụng phổ biến trên các thị trường mua bán nợ xấu trên thế giới.

- Chuyển ra khỏi bảng cân đối kế toán (Write-off): nợ xấu được chuyển ra khỏi bảng cân đối kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu về hệ số an toàn vốn, tránh các chi phí liên quan đến quản lý nợ xấu hoặc khi thu nợ không hiệu quả, hoặc số tiền thu nợ có thể sẽ ít hơn rất nhiều so với chi phí phát sinh. Đây là hoạt động tạm thời để ngân hàng đưa ra những quyết sách cho xử lý các khoản nợ xấu này.

Xử lý nợ xấu tại Việt Nam

Xử lý nợ xấu là câu chuyện nóng trong hoạt động ổn định tài chính Việt Nam. Nghị định 53/2013 và nghị định 34/2015 (sửa đổi nghị định 53) là những nỗ lực lớn, thể hiện sự quan tâm lẫn quyết liệt trong cuộc chiến với nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thúc đẩy xử lý nợ xấu là phương châm phải thực hiện trong năm 2015 và toàn hệ thống ngân hàng phải đưa nợ xấu xuống dưới 3%.

Liệu tỷ lệ nợ xấu toàn ngành xuống dưới 3% có khả thi? Câu trả lời chắc chắn là có, bởi nợ xấu của ngân hàng Việt Nam không thể nào giữ lại bảng cân đối theo chiến lược “keep” – do nợ xấu ở mỗi ngân hàng có thể đã vượt qua mức kiểm soát của họ. Vậy, ngân hàng Việt Nam chỉ còn phương thức, hoặc bán, hoặc chuyển ra khỏi bảng cân đối kế toán. Và họ đã chọn phương án kết hợp, bán nợ xấu “tạm thời” cho VAMC.

Đến lượt VAMC và ngân hàng nhà nước phải thực hiện hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng lành mạnh hóa lẫn hoạt động mua bán – sáp nhập để cải thiện chất lượng tài chính. Đây là bước đầu tiên mà bất cứ quốc gia nào cũng phải trải qua khi tiếp cận các chiến lược xử lý nợ xấu. Theo đó, các bước bao gồm: tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; hình thành công ty quản lý tài sản (AMC); và tiến đến hình thành thị trường mua bán nợ.

Tại Việt Nam, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được tiến hành song song với phương thức xử lý nợ xấu thông qua VAMC. Đến nay, VAMC đã mua hơn 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD và cũng đã bán, xử lý được hơn 5.000 tỷ đồng. Nhưng VAMC chỉ mới xử lý nợ xấu ở bán tài sản thế chấp, chuyển nợ thành cổ phần mà chưa thực sự mua bán nợ theo thị trường.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, VAMC không thể đủ nguồn lực để giải quyết số lượng lớn nợ xấu tồn đọng và các ngân hàng bán nợ phải được nhận một khoản “tiền tươi, thóc thật”. Bên cạnh đó, vai trò của VAMC cũng phải được hoán đổi linh hoạt như chủ thể mua nợ, nhà tạo lập thị trường, và trung gian môi giới đầu tư nợ xấu. Và cuối cùng, để hình thành một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa thì một bước chuyển cần có là vận hành và hoàn thiện hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.

Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu, làm được không?

Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu (securitization of non – performing loans) là một phương thức nên thử nghiệm để hướng đến một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Đối với hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu, các nhà đầu tư không hề quan tâm đến quyền sở hữu nợ xấu mà quan tâm về rủi ro và lợi nhuận thu được. Do đó, giá trị các khoản chứng khoán này phụ thuộc vào nhà phát hành, tỷ lệ phục hồi của nợ và các quy định pháp lý liên quan.

Đồng thời, vai trò của hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ xấu cũng được trình bày trong nhiều nghiên cứu liên quan như: (i) chứng khoán hóa nợ xấu yếu tố quan trọng và hiệu quả để bảo vệ cũng như gia tăng mục đích loại bỏ nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có vốn của nhà nước; (ii) chứng khoán hóa các khoản nợ xấu là một trong những phương pháp quan trọng để cải thiện tình hình nợ xấu ở hệ thống ngân hàng; (iii) chứng khoán hóa nợ xấu còn giúp các ngân hàng thu được một khoản tiền “tươi” có kỳ hạn dài, nhằm đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản, về tỷ lệ an toàn vốn và tránh rủi ro mất vốn do khoản nợ xấu đem lại.

Chứng khoán hóa các khoản nợ xấu không phải là một hoạt động phức tạp như vẫn thường nghĩ. Để vận hành hoạt động này cần phải có những yếu tố cơ bản như một thị trường chứng khoán đủ tiêu chuẩn, hệ thống pháp lý liên quan rõ ràng, các trung gian dịch vụ chứng khoán hóa đủ uy tín và nhà đầu tư. Nhưng các yếu tố này vẫn chưa sẵn sàng ở thị trường tài chính Việt Nam? Liệu có khả thi khi triển khai? Tất nhiên, đó không phải là vấn đề lớn, bởi với những kinh nghiệm thử nghiệm và vận hành hoạt động chứng khoán hóa nợ xấu ở nhiều quốc gia thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung quốc, Ý…sẽ là những bài học quý giá cho Việt Nam ứng dụng.

Đơn cử, tại Hàn Quốc, công ty KAMCO cũng đã lần đầu tiên ứng dụng nghiệp vụ chứng khoán hóa nợ xấu trên cơ sở kinh nghiệm các quốc gia khác và thành công với giá trị phát hành 367 triệu USD trong năm 2001. Trong đó, tổng số nợ xấu được chứng khoán hóa lên đến 1/3 tổng danh mục nợ xấu được mua bởi KAMCO.

Nợ xấu không phải là chuyện riêng của bất cứ quốc gia nào. Và tình hình kinh tế thế giới càng có chiều hướng suy giảm thì một thị trường sinh lợi nhuận mang tên thị trường mua bán nợ xấu lại phình to. Đây là một thị trường rất phức tạp nhưng cung cấp một cơ hội đầu tư lớn nếu am hiểu về nó. Tương tự cho Việt Nam, thị trường mua bán nợ cũng sẽ được hình thành nhưng phải có lộ trình, và Việt Nam đã và đang đi đúng lộ trình vốn có của nó. Tuy nhiên, để hình thành nên một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa thì một bước chuyển nên thử nghiệm là chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.

Theo Trí Thức Trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến