Dòng sự kiện:
Chứng khoán hóa nợ xấu, nên chăng?
01/06/2017 12:07:52
Một lần nữa, đề xuất chứng khoán hóa nợ xấu nhằm khơi thông “cục máu đông” nợ xấu lại được đặt ra. Thế nhưng, đề xuất này liệu có khả thi trong bối cảnh hiện nay?

Câu chuyện chứng khoán hóa nợ xấu lại được TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khơi dậy trong hội thảo được tổ chức vừa qua. Đây cũng là một trong những giải pháp xử lý nợ xấu đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, với bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, thì vẫn còn nhiều điểm đáng bàn.

Nợ xấu đang là nỗi lo của nhiều ngân hàng. Biểu đồ: Tình hình nợ xấu thống kê tại 10 ngân hàng.

 

Chuyện cũ nhiều năm chưa làm nổi

Chứng khoán hóa nợ xấu được hiểu nôm na là chuyển đổi nợ xấu thành giấy tờ có giá để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sản phẩm này đã được áp dụng thành công ở Hàn Quốc những năm 1997. Lúc đó, Kamco (Cty Quản lý Tài sản Hàn Quốc, tương tự VAMC của Việt Nam) đã mua 111 nghìn tỷ won (tương đương 93 tỷ USD) nợ xấu từ các NHTM Hàn Quốc. Sau khi chứng khoán hóa khoản nợ xấu, Cty này đã bán thành công 65 nghìn tỷ won cho các nhà đầu tư (NĐT) trong vòng 5 năm.

Theo ThS Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Mở TP HCM, thị trường tài chính Việt Nam dự kiến đến tháng 9/2017 mới cho ra sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên, như vậy hẳn chưa hội đủ điều kiện để áp dụng công cụ chứng khoán hóa. Chỉ tính riêng câu chuyện chứng khoán hóa bất động sản được khơi lên những năm 2011-2012, khi thị trường địa ốc đi vào giai đoạn đóng băng, và ngay cả trong cả trong đề án tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2015, có đề cập đến giải pháp chứng khoán hóa, nhưng đến nay, chứng khoán hóa vẫn mới chỉ nằm ở dạng đề xuất, cũng đã nói lên điều đó.

Tương lai vẫn còn xa

Trước đây, Cty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã từng đóng vai trò trung gian phát hành trái phiếu hoán đổi nợ cho các chủ nợ của Vinashin.

Đợt chứng khoán hóa nợ xấu quốc tế lần 1 của Vinashin đã giúp DN này giãn được áp lực trả nợ nhưng chưa xóa được nợ xấu. Bởi, việc giãn áp lực nợ chỉ có tính thời gian nhất định và chỉ mang lại hiệu quả khi DN hoạt động có hiệu quả, hoặc bán tài sản để trả nợ. Trong khi đó, Vianasin vẫn thua lỗ, tài sản của DN này cũng chẳng thấm vào đâu so với giá trị khổng lồ của các khoản nợ, chưa kể phải trả lợi tức trái phiếu hoán đổi nợ cho các chủ nợ quốc tế.

Từ đó có thể thấy rằng, việc chuyển đổi nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ đem bán theo đề xuất của TS Nguyễn Đức Kiên, về cơ bản, là khá giống với trường hợp nói trên của Vinashin. Chỉ có điều cần phân định rõ, nếu DN sau khi chuyển chủ nợ vẫn tiếp tục khó khăn như Vinashin, thì rủi ro của nhà đầu tư ôm trái phiếu chính phủ đó, có được bảo lãnh như Vinashin hay sẽ về 0 đồng?

Mặt khác, ThS Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cũng cho rằng cần xác định loại tài sản nào có thể được chứng khoán hóa, bán cho các NĐT không phân biệt trong, ngoài nước; loại tài sản nào sẽ không được bán cho NĐT nước ngoài? Ngoài ra, cần lưu ý rằng trong giai đoạn 10 năm phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ tính đến hết 2016, phần lớn mãi lực đấu thầu thành công trái phiếu chính phủ đến từ các NHTM, còn các Cty chứng khoán, quỹ đầu tư, các Cty bảo hiểm... chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong khi trái phiếu chính phủ chưa thực sự hấp dẫn, thì chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ, với chủ thể người mua cơ hữu vẫn là các NHTM, sẽ khó khả thi.

Theo Enternews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến