CTCP Chứng khoán Tp.HCM (HSC, HoSE: HCM) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ bất thường năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 4/12 tới đây.
Một trong những nội dung quan trọng là phương án chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới).
Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2025, sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của HSC sẽ nâng lên 10.800 tỷ đồng.
Số tiền huy động gần 3.600 tỷ đồng từ đợt chào bán, HSC dùng gần 2.520 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ và gần 1.080 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh. Thời gian giải ngân dự kiến trong năm 2025.
Trong bối cảnh tăng mạnh vay nợ quý gần đây, HSC trình cổ đông phương án chào bán gần 360 triệu cổ phiếu để tăng quy mô cho vay margin và hoạt động tự doanh.
Trước đó vào tháng 4/2024, HSC đã chào bán hơn 178 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu, tương ứng 77,94% tổng số lượng chào bán. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 5.266 tỷ đồng lên 7.048 tỷ đồng.
Với gần 1.800 tỷ đồng huy động được, HSC dùng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ và bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh.
Trong quá khứ, thời điểm trước năm 2021, HSC từng là công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn thứ 2 thị trường. Tuy nhiên, công ty này dần đánh mất thị phần và đến quý III/2023 bị đẩy xuống vị trí thứ 6 với thị phần môi giới tại HoSE chỉ còn hơn 5%. Đến quý III/2024, thị phần môi giới của HSC xếp vị trí thứ 5 với 6,65%.
Dù kết quả kinh doanh của HSC có tăng trưởng tích cực nhưng vay nợ công ty cũng tăng mạnh. Gần nhất, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, HSC đem về doanh thu hoạt động 3.095 tỷ đồng, tăng trên 50% và lợi nhuận sau thuế tăng 64% so với cùng kỳ lên 813 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ phải trả của HSC ở mức 22.658 tỷ đồng, tăng tới hơn 13.000 tỷ đồng sau 9 tháng. Riêng vay nợ tài chính chiếm tới 22.148 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với đầu năm.
Trong đó, vay ngân hàng trong nước tăng vọt từ 5.780 tỷ đồng lên 14.667 tỷ đồng; vay thấu chi ngân hàng tăng từ 882 tỷ đồng lên 2.052 tỷ đồng... Tuy nhiên, HSC không thuyết minh chi tiết về các chủ nợ.
Tổng tài sản của HSC tại cuối quý III/2024 đạt 32.715 tỷ đồng. Đáng chú ý, tài sản chính FVTPL tăng mạnh từ 2.200 tỷ đồng hồi đầu năm lên trên 8.530 tỷ đồng tính theo giá gốc.
Trong đó, HSC tăng gần gấp 3 lần giá trị đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, đạt 1.773 tỷ đồng, đang tạm lãi 26 tỷ đồng. Một số cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn như: ACB, TCB, STB, FPT...
Trái phiếu niêm yết và trái phiếu riêng lẻ tăng mạnh nhất tài sản chính từ 1.200 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng và đang tạm lãi gần 130 tỷ đồng. Trong kỳ, HSC nắm giữ thêm trái phiếu của BIDV, trái phiếu của MB và trái phiếu của VietinBank trong khi đầu năm không ghi nhận.
Tác giả: Trần Thị Tú Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy