Dòng sự kiện:
Chứng khoán Kafi sắp huy động 2.500 tỷ tăng vốn gấp đôi để làm gì?
26/11/2024 06:03:15
Chứng khoán Kafi thông qua kế hoạch chào bán 250 triệu cổ phiếu, tăng gấp đôi vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Ngày 22/11, HĐQT CTCP Chứng khoán Kafi đã công bố Nghị quyết triển khai phương án tăng vốn điều lệ và thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Động thái này được thực hiện ngay sau khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào ngày 21/11, thay thế phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua trước đó.

Theo kế hoạch, Kafi sẽ chào bán 250 triệu cp, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền 1:1, qua đó tăng gấp đôi vốn điều lệ từ 2.500 tỷ đồng ở hiện tại lên 5.000 tỷ đồng.Quá trình chào bán dự kiến hoàn thành trước ngày 30/06/2025. 

Từ nguồn vốn dự kiến thu được, Chứng khoán Kafi sẽ dành phần lớn (90%) để phát triển các mảng kinh doanh chính. Cụ thể, 1.125 tỷ đồng sẽ được bổ sung cho hoạt động tự doanh chứng khoán, và 1.125 tỷ đồng khác dành cho hoạt động cho vay ký quỹ (margin).

Phần còn lại được phân bổ như sau: 150 tỷ đồng (6%) bổ sung ngân sách hoạt động, 75 tỷ đồng (3%) đầu tư hạ tầng và dịch vụ công nghệ, và 25 tỷ đồng (1%) để mở rộng, duy trì mạng lưới chi nhánh hoặc phòng giao dịch. 

Toàn bộ số vốn huy động sẽ được giải ngân trước ngày 31/03/2026.

Đây là kết quả sau khi HĐQT Kafi tổ chức kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong ngày 21/11 trước đó, về việc thay thế phương án tăng vốn đã được ĐHĐCĐ phê duyệt từ tháng 7/2024.

Chứng khoán Kafi tiền thân là Chứng khoán Hoàng Gia với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty đổi tên thành Chứng khoán Globalmind Capital. Tới năm 2022, Công ty trở thành Chứng khoán Kafi như hiện tại, vốn điều lệ tăng lên 1.000 tỷ đồng.

Chứng khoán KAFI thông qua kế hoạch chào bán 250 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng

Tới thời điểm quý 3/2024, vốn điều lệ của Công ty đạt 2.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông ở thời điểm này có 2 cổ đông lớn là CTCP Ubiben và Gentle Sun Investments, lần lượt nắm giữ 10,065% và 20% vốn.

Trong đó, Uniben – doanh nghiệp nổi tiếng với các sản phẩm như Mì 3 miền và trà mật ong Boncha – cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Ngân hàng VIB, hiện nắm giữ hơn 3,9% vốn tại ngân hàng này.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 3/2024, Chứng khoán Kafi ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 264 tỷ đồng, tăng 105,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, mảng tự doanh đóng góp gần 152 tỷ đồng, tăng gần 62%. Tăng mạnh nhất là hoạt động cho vay khi gấp 4 lần cùng kỳ, đem về 86 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nghiệp vụ môi giới đem về 26 tỷ đồng gấp hơn 2 lần cùng kỳ nhưng chi phí mảng này lên tới gần 27 tỷ đồng. Qua đó, mảng môi giới của Chứng khoán Kafi lỗ thuần hơn 800 triệu đồng.

Kết quả, Chứng khoán Kafi báo lãi ròng quý 3/2024 đạt hơn 43 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán Kafi ghi nhận tổng doanh thu đạt 616 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ các mảng kinh doanh chính của Công ty. Doanh thu từ môi giới chứng khoán tăng 222%, hoạt động cho vay ký quỹ tăng 254%, và doanh thu tự doanh tăng hơn 56%. 

Đặc biệt, dư nợ cho vay ký quỹ của Kafi đạt 4.680 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024, tăng gấp 3,2 lần so với đầu năm. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư thông qua Kafi đạt 59.200 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. 

Danh mục tài sản chính FVTPL chiếm 7.547,2 tỷ đồng, tương đương 59% tổng tài sản, và tăng 65% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là giấy tờ có giá và tiền gửi có hạn với giá gốc 5.471 tỷ đồng, gồm 2.471 tỷ đồng giấy tờ có giá của BIDV và 1.363 tỷ đồng giấy tờ có giá của VIB.

Danh mục cổ phiếu niêm yết có giá gốc 607,5 tỷ đồng, tạm lãi 37 tỷ đồng, bao gồm 360 tỷ đồng cổ phiếu VIB, còn lại là cổ phiếu khác.

Trái phiếu chưa niêm yết của tổ chức tín dụng có giá gốc 977 tỷ đồng, gồm 310 tỷ đồng trái phiếu của Vietcombank, 217 tỷ đồng trái phiếu của VIB, 100 tỷ đồng trái phiếu của BID và trái phiếu khác 350 tỷ đồng. Chứng khoán Kafi thuyết minh trong số các trái phiếu chưa niêm yết này có 400 trái phiếu mệnh giá 400 tỷ đồng được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay ngắn hạn của công ty.

Dư nợ cho vay đạt gần 4.680 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với đầu năm, chủ yếu là cho vay hoạt động ký quỹ. 

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả ghi nhận 10.108 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm 9.874 tỷ đồng, 4.887 tỷ đồng trong số này là vay ngân hàng, gần 5.000 tỷ đồng còn lại là vay từ các tổ chức cá nhân theo các gói giao dịch K-Wealth. 

Tác giả: Minh Vy

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến