Giao dịch viên tại Sàn Chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi và những kỳ vọng về chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp đạt đỉnh đang khích lệ các nhà đầu tư chứng khoán, ngay cả khi lo ngại về việc định giá cao quá mức và khả năng lạm phát tăng trở lại.
Chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tăng gần 19% tính từ đầu năm tới nay, sau khi tăng khoảng 1% trong tuần vừa qua. Tính riêng kể từ ngày 1/6, chỉ số này đã tăng gần 10%.
Trong khoảng thời gian đó, Chính phủ Mỹ đã tránh được tình trạng vỡ nợ và giá tiêu dùng hạ nhiệt, còn tăng trưởng vẫn ổn định.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy chứng khoán tăng cao hơn là quan điểm cho rằng nền kinh tế đang hướng tới cái gọi là “kịch bản Goldilocks”: giá tiêu dùng giảm trong khi tăng trưởng vẫn mạnh - điều mà nhiều người tin đóng vai trò nền tảng vững mạnh cho thị trường chứng khoán.
Quan điểm đó càng được củng cố thêm trong tuần qua khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức của ngân hàng trung ương này không còn dự báo về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái. Lạm phát cũng đang có cơ hội quay trở lại mục tiêu 2% mà không dẫn tới tỷ lệ mất việc làm cao.
Các nhà hoạch định chính sách Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 5,25%-5,50% tại cuộc họp hai ngày 25-26/7, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng Chín.
Ông Bob Kalman, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Miramar Capital, cho rằng thị trường đã hoàn toàn chấp nhận những nhận định của Fed. Cho đến khi xuất hiện những số liệu kinh tế đủ tồi tệ và khiến Fed lo sợ, rất khó để thay đổi tâm lý của ngân hàng trung ương này.
Đồng thời, nhà đầu tư tin rằng Fed khó có thể đưa ra nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ vốn từng làm “rung chuyển” thị trường vào năm ngoái.
Theo công cụ FedWatch của CME, các thị trường đã đặt cược Fed có gần 73% khả năng giữ lãi suất không vượt mức hiện tại cho đến cuối năm. Con số trên tăng mạnh từ mức 24% của một tháng trước đó.
Nền kinh tế lớn nhất sẽ đối mặt một phép thử vào tuần tới, khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7/2023. Mặc dù số liệu việc làm tương đối tốt là động lực thúc đẩy đà tăng của chứng khoán năm nay, nhưng bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ quá nhanh vẫn làm dấy lên lo ngại rằng Fed cần tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.
Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management, lưu ý để thị trường tiếp tục đà tăng, kịch bản “hạ cánh mềm” phải xảy ra với nền kinh tế chứ không phải tăng tốc tăng trưởng trở lại. Vì nếu chi tiêu cho nhà ở và tiêu dùng đi lên, Fed sẽ phải đẩy lãi suất lên cao hơn.
Chuyên gia Kalman của Miramar Capital tin rằng nhiều khả năng Fed cần tăng lãi suất vượt ngưỡng 5,50% hiện tại và duy trì mức đó lâu hơn dự kiến. Nếu thành hiện thực, ông lo ngại kịch bản này có thể làm suy giảm nền kinh tế và tổn hại đến các tài sản rủi ro.
Nhiều người cũng đang đánh giá mức độ bền vững của đà phục hồi của cổ phiếu công nghệ, vốn được thúc đẩy một phần bởi sự phấn khích đối với những bước tiến trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Chỉ số công nghệ Nasdaq 100 đã tăng gần 44% từ đầu năm đến nay, trong khi nhóm chỉ số công nghệ thông tin của S&P 500 đã tăng gần 46%.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã tìm kiếm các cổ phiếu khác để kiếm thêm lợi nhuận, cũng như tỏ ra cảnh giác với việc định giá tăng.
Ông Burns McKinney, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản NJF Investment Group, sở hữu cổ phiếu của cả Apple và Microsoft nhưng đã bổ sung cổ phiếu của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài chính và năng lượng.
Theo đánh giá của ông, tỷ lệ rủi ro so với lợi nhuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không còn tốt như quý trước.
Một số nhà phân tích tin rằng đà phục hồi của chứng khoán sẽ tạm dừng. Ông Randy Frederick, Giám đốc điều hành giao dịch và các công cụ phái sinh của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab (Schwab Center for Financial Research), cho biết không có gì đáng ngạc nhiên khi S&P 500 giảm 5% trở lên trong một hoặc hai tháng tới sau khi giới đầu tư chốt lời từ những đợt tăng gần đây.
Tuy nhiên, ông cũng tin rằng chứng khoán đang ở "giai đoạn đầu" của quá trình phục hồi sau khi rơi vào thị trường giá xuống vào năm ngoái./.
Tác giả: H.Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy