Dòng sự kiện:
Chứng khoán quý IV: Kỳ vọng 'đổi màu'
26/09/2019 11:00:32
Trong bối cảnh vĩ mô trong nước ổn định, một số nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh cả năm khả quan và một số yếu tố mới xuất hiện, thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ tích cực hơn trong quý cuối năm.

Chỉ số VN-Index giai đoạn từ đầu năm đến nay đi trong biên độ 940 - 1.000 điểm. Có thể nói, trong ba quý đầu năm, thị trường đều có sóng hồi nhỏ.

Nếu như quý I, VN-Index hồi sau nhịp giảm sâu về mốc 880 điểm vào cuối năm 2018, thì quý II có 3 lần giảm về 940 điểm và hồi về gần 1.000 điểm và câu chuyện quý III tập trung vào nhóm midcap, mà dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ và bất động sản khu công nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ số vẫn không chinh phục trọn vẹn được mốc tâm lý 1.000 điểm.

VN-Index đang trong nỗ lực chinh phục lại mốc 1.000 điểm lần thứ 2 trong quý III và lần thứ 3 trong năm nay sau khi đạt mốc 1.014 điểm vào ngày 19/3/2019.

Kỳ vọng VN-Index vượt mốc 1.000 điểm trong quý IV

Bối cảnh vĩ mô trong nước cũng như diễn biến trên thị trường chứng khoán trong nước đang xuất hiện nhiều cơ sở cho kỳ vọng nói trên.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 357,87 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng 25,98 tỷ USD) so với cùng kỳ 2018.

Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2019 có mức thặng dư 189 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến giữa tháng 9 đạt 5,57 tỷ USD.

Mức thặng dư 5,57 tỷ USD từ đầu năm đến nửa đầu tháng 9/2019 lý giải vì sao VND ổn định và có phần tăng giá so với các đồng tiền trong khu vực.

Trị giá xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất Việt Nam từ đầu năm đến 15/9/2019 so với cùng kỳ 2018 (nguồn: Tổng cục Hải quan).

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND giữ ở mức ổn định hiếm trong bối cảnh thị trường ngoại hối nhiều biến động đã làm tăng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài và ổn định môi trường vĩ mô cho các nhà đầu tư và cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ngày 16/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,25%/năm với các lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất chào mua các giấy tờ có giá qua các nghiêp vụ thị trường mở (OMO).

Ðây là lần đầu kể từ tháng 10/2017, Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành.

Việc giảm lãi suất này có thể giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vay tái cấp vốn, tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước, qua đó góp phần hạ lãi suất cho vay khi chi phí vốn đầu vào giảm bớt.

Việc giảm lãi suất lần này mang ý nghĩa tâm lý là chính, khi nhiều quốc gia trên thế giới đã giảm lãi suất ít nhất một lần, thậm chí Mỹ còn giảm lãi suất đến 2 lần trong năm nay và đều với mức 0,25%/năm.

Một điều dễ nhận thấy là năm nay các doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn trái phiếu nhiều hơn và lãi suất cũng tăng lên 1 - 2%/năm so với năm 2018.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại cũng nâng mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên mức 8%/năm, điều này cho thấy vẫn cho thấy một số khu vực vẫn rất khát vốn, vì vậy, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay khó giảm.

Những tuần cuối quý III/2019 đang chuẩn bị khép lại và mùa công bố kết quả kinh doanh quý III sắp bắt đầu.

Ðây là kỳ công bố kết quả kinh doanh do doanh nghiệp tự lập, nhưng rất quan trọng, bởi nó có thể đem đến những kỳ vọng về doanh nghiệp có khả năng hoàn thành hay vượt kế hoạch kinh doanh và ngược lại.

Kết quả này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu của từng doanh nghiệp, cũng như thị trường trong những tháng cuối năm.

Với diễn biến vĩ mô trong năm 2019, nhóm ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan vẫn là ngân hàng, bất động sản, vận tải biển, công nghệ và dệt may.

Ðây là những nhóm ngành hưởng lợi hoặc không ảnh hưởng gì từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Những nhóm này kỳ vọng có sự ổn định của giá cổ phiếu và tăng nhẹ trong quý IV/2019.

Ðặc biệt, nhóm ngân hàng đang có những chuyển biến hết sức tích cực từ kết quả kinh doanh cho đến diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian vừa qua và thị trường đang kỳ vọng nhóm này sẽ đưa VN-Index vượt 1.000 điểm trong quý IV.

Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường chứng khoán là việc CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) huy động vốn cho 2 quỹ đầu tư chỉ số (ETF) dựa vào chỉ số VN-Diamond Index (Vietnam-FOL index) và VN-Capped Financial index (N-Finance). 

Cổ phiếu dự kiến vào rổ VN-Diamond Index.

Ðộng thái này sẽ giúp thu hút dòng tiền của khối ngoại vào thị trường, khi một số cổ phiếu ưa thích của khối này đã bị hạn chế room từ lâu.

Diễn biến này được cho là có tác động đến các cổ phiếu đã hết room và các cổ phiếu tài chính ngân hàng trong thời gian tới.

Cổ phiếu dự kiến vào rổ VN-Capped Financial Index.

Chọn cổ phiếu quan trọng hơn dựa vào chỉ số

Ngày 18/9 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất điều hành 0,25%/năm về khoảng 1,75 - 2%/năm. Ðây là lần hạ lãi suất thứ 2 của Fed trong vòng 2 tháng.

Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng cam kết sẽ “hành động phù hợp” để giữ đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho rằng như thế là chưa đủ, vì các ngân hàng trung ương khác trên thế giới hành động mạnh tay hơn.

Trên Twitter, ông Trump nhắc đến xu hướng lãi suất âm ở châu Âu và châu Á và cho rằng, nước Mỹ nên trả lãi suất ít hơn. Hiện tại, Ðan Mạch, EU, Nhật Bản, Thụy Ðiển và Thụy Sĩ đã đưa lãi suất về dưới 0%.

Hồi đầu tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất tiền gửi từ 0,1%/năm về - 0,5%/năm, một phần trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế khu vực và nâng mức lạm phát.

Vì lý do đó mà Tổng thống Donald Trump vẫn luôn thúc giục Fed phải hành động mạnh hơn nữa và hạ lãi suất về mức 0% mới giúp kinh tế Mỹ đủ cạnh tranh.

Ðộng thái hạ lãi suất của Mỹ sẽ tác động tích cực tới dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian qua là thương chiến Mỹ - Trung, cuộc chiến này vẫn chưa biết khi nào sẽ đi tới hồi kết.

Các chuyên gia nhận định, đây là cuộc chiến cạnh tranh quyền ảnh hưởng không chỉ về thương mại, mà cả vị trí siêu cường trên thế giới nên không thể kết thúc trong một hai năm tới, mà sẽ kéo dài cả thập kỷ.

Vì vậy, thay vì chờ đợi, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã chủ động hành động, xu hướng chính là giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng và giành lấy lợi thế trong xuất khẩu càng sớm càng tốt.

Thế khó của Việt Nam là có quan hệ thương mại với cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc và xuất siêu vào Mỹ. Vì thế, chính sách của chúng ta phải thận trọng hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Nhìn chung, 2019 là một năm không mấy dễ dàng, nhưng có thể thấy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, tỷ giá, kim ngạch thương mại, lạm phát cho đến tăng trưởng GDP được dự báo đều sẽ đạt được như kế hoạch đề ra.

Vì thế, thị trường chứng khoán vẫn giữ sự ổn định cao và có tiềm năng phát triển. Nhưng khi thị trường đã ở một mức phát triển nhất định, thì với nhà đầu tư, việc chọn cổ phiếu hay nói chính xác hơn lựa chọn công ty để đầu tư quan trọng hơn dựa vào tăng giảm chỉ số.

Vậy trong quý IV, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhóm ngành nào để có thể gia tăng tài sản?

Theo ý kiến chủ quan của người viết, thị trường sẽ vượt mốc tâm lý 1.000 điểm nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cạn room ngoại, nhóm ngân hàng tài chính và nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh được dự báo tốt.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến