Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 271 tỷ đồng trong năm nay, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 115 tỷ đồng năm ngoái.
Lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá thị trường chứng khoán năm nay nhiều khả năng đi ngang với thanh khoản thấp hơn năm 2022, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cao và dòng tiền còn nhiều khó khăn.
Theo đó, VN-Index có thể dao động trong khoảng 930-1.270 điểm, mức thanh khoản bình quân dao động 13.000-15.000 tỷ đồng/phiên trên toàn thị trường.
Công ty dự kiến có thể đạt mức thu tổng cộng 890 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu đến từ các mảng môi giới (212 tỷ), dịch vụ chứng khoán (377 tỷ), đầu tư (193 tỷ), ngân hàng đầu tư (65 tỷ) và còn lại đến từ các hoạt động khác.
Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Miên Tuấn thông tin kết quả kinh doanh quý đầu năm tương đối tích cực với doanh thu 150 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 77,5 tỷ đồng, tương đương hơn 28% kế hoạch đề ra.
"Kết quả này là tích cực trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giúp công ty bước đầu có lãi trở lại và đặc biệt đã xử lý hết lỗ lũy kế", người đứng đầu doanh nghiệp chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Miên Tuấn thông tin tại đại hội. Ảnh: H.L.
Ông Tuấn kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm sẽ tốt hơn để cổ phiếu VDS được cấp margin (giao dịch ký quỹ) trở lại; đồng thời lấy làm tiếc vì cổ phiếu hiện dưới mệnh giá.
Lãnh đạo VDSC nếu chiến lược phát triển của công ty dựa trên 5 trụ cột chính: môi giới, cho vay, đầu tư, ngân hàng đầu tư (IB) và quản lý tài sản. Tỷ trọng phân bổ sẽ tuỳ thuộc vào từng giai đoạn thị trường.
"Làm chứng khoán không đầu tư thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng", ông Tuấn trả lời cổ đông về việc công ty vẫn phát triển mảng IB.
Hiện thị trường có nhiều quan điểm khác nhau như công ty chứng khoán chỉ nên cung cấp dịch vụ môi giới - cho vay - tư vấn, tránh đầu tư để tránh xung đột lợi ích. Luật chứng khoán trên thế giới và tại Việt Nam đều cho phép các công ty có hoạt động tự doanh.
Người đứng đầu doanh nghiệp nói đầu tư không phải lúc nào cũng thắng. Năm 2022, VDSC cũng đầu tư thất bại và nhìn rộng ra trên thế giới thì nhiều nhà đầu tư huyền thoại cũng thua lỗ.
Chứng khoán Rồng Việt có quan điểm đầu tư giá trị, dựa vào nền tảng hoạt động của doanh nghiệp. Không ai lường hết được rủi ro thị trường, cả doanh nghiệp cũng vậy, nên cũng không thể bán đúng đỉnh, mua đúng đáy.
Hiện năng lực tài chính của VDSC không quá ấn tượng để cạnh tranh ở mảng môi giới, cho vay margin, IB, quản lý tài sản nên cần thêm thời gian để xây dựng nền tảng vững. Chẳng hạn, công ty dù mới tăng vốn trong năm 2022 nhưng vẫn mới đứng trong top 20 về vốn điều lệ.
Do năng lực cạnh tranh nói chung còn khá khiêm tốn, lãnh đạo VDSC tin rằng nếu muốn cải thiện hiệu quả ngắn hạn thì phải dựa thêm hoạt động đầu tư (đặc biệt là đầu tư cổ phiếu). Ngoài ra công ty còn nghiên cứu kinh doanh trái phiếu, kinh doanh thêm nguồn vốn.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy