Dòng sự kiện:
Chứng khoán thủng mốc 1.300 điểm, nhà đầu tư nên làm gì?
09/05/2022 19:42:21
Lực bán trên thị trường còn mạnh; việc mua bán phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư tuy nhiên cần theo dõi diễn biến để có chiến lược phù hợp, không nên tắt app.

Sau thời gian thị trường chứng khoán chịu nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến các vụ việc thao túng chứng khoán và sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số liên tục đi xuống kể từ đầu tháng 4 với nhiều phiên lao dốc sâu.

Bước sang tháng 5, chứng khoán vẫn đang trải qua giai đoạn thách thức khi chỉ số có nhiều phiên lao dốc liên tục, tài khoản phần lớn nhà đầu tư cũng bốc hơi mạnh. Trên các diễn đàn về chứng khoán trên mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư than phiền về danh mục mỗi ngày đều "đỏ lửa", dù đã canh thị trường để trung bình giá song thị trường lại càng giảm điểm.

Chứng khoán thủng mốc 1.300 điểm

Phiên hôm nay (9/5), hơn 220 cổ phiếu giảm hết biên độ khiến VN-Index mất gần 60 điểm dù mới là phiên đầu tuần. Thị trường đóng cửa tại vùng giá thấp nhất 9 tháng qua. Cụ thể, VN-Index mất 59,64 điểm, tương ứng 4,49% về mức 1.269,62 điểm - chỉ bằng thị giá hồi tháng 7/2021.

Nhóm cổ phiếu trụ VN30 không có mã nào tăng giá phiên ngày 9/5, chỉ số đại diện VN30 cũng mất hơn 59 điểm - mức tương đương VN-Index. Nhiều mã thậm chí giảm sàn kéo chỉ số chung xuống như BID, BVH, CTG, GVR, KDH, MWG, PLX, PNJ, POW, SSI, STB, TCB, VPB. Các mã khác cũng rơi mạnh ở vùng giá 1-5%, riêng VNM giảm nhẹ 0,3%.

Cổ phiếu ngân hàng đỏ lửa, nhiều mã thậm chí giảm sàn. (Ảnh: SSI)

Xu hướng của thị trường vẫn không rõ ràng nên các khiến các dao động có biên độ lớn hơn. Có thời điểm trong phiên 9/5, áp lực bán tháo tăng lên, đặc biệt lúc phiên chiều mở cửa. VN-Index giảm sâu, có lúc mất tới gần 63 điểm và thủng hàng loạt ngưỡng hỗ trợ quan trọng như 1.280 điểm, 1.270 điểm. Biên độ giảm được thu hẹp sau phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa nhưng không đáng kể. Nhiều mã thuộc nhóm đầu cơ cũng lao dốc mạnh như cổ phiếu của các nhóm FLC, Louis Holdings, APEC, cổ phiếu liên quan đến Nhựa Đồng Nai… Cổ phiếu liên quan đến Gelex cũng giảm mạnh.

Nhóm cổ phiếu "vua" đỏ lửa. 3 mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường hôm nay đều thuộc nhóm này là BID, TCB và VPB.

Thanh khoản sàn HoSE đạt khoảng 18.770 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước. Giá trị giao dịch vẫn ở mức thấp nhưng việc nối dài mạch tăng bốn phiên liên tiếp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp. Khối ngoại mua ròng 578 tỷ đồng trong phiên 9/5. Dẫn đầu là VHM với 94 tỷ đồng, HPG được mua 64 tỷ đồng, GMD được mua 61 tỷ đồng hay VRE được mua hơn 50 tỷ đồng. Vẫn có một vài mã bị bán mạnh như NVL 39 tỷ đồng, VCB 20 tỷ đồng hay GEX 17 tỷ đồng.

Có nên bắt đáy khi thị trường giảm sâu?

Theo số liệu từ trung tâm lưu ký Việt Nam, số tài khoản cá nhân chứng khoán của Việt Nam hiện đạt khoảng 5% dân số, tương ứng 5 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán chỉ ra hầu hết các nhà đầu tư đều đang thua lỗ.

Thực tế, vẫn có một số nhà đầu tư có lãi nếu bắt đáy đúng lúc và giao dịch theo kiểu T+3. Tuy nhiên, số lần thắng trong những phiên T+3 như vậy không quá nhiều. Chưa kể, không phải trong 3 phiên thì cả 3 phiên đều tăng mạnh, sẽ có phiên tăng ít thậm chí có phiên giảm điểm nên tỉ suất không được là bao. Bên cạnh đó, với các nhà đầu tư bắt sóng đầu cơ giai đoạn này, chỉ chỉ phân bổ một phần giá trị tài sản chứ không “tất tay" nên sẽ không đủ gồng lỗ.

Chị Kiều Loan, một môi giới chứng khoán tại SSI cho biết thị trường chứng kháon đang trong giai đoạn downtrend, rất khó để ngăn cản lực rơi mạnh và hiện cũng chưa có thông tin tích cực gì đẩy thị trường đi lên. Vì vậy, việc dự đoán vùng nào là vùng đáy chỉ mang tính chủ quan và khó chính xác.

Trong nhóm khách hàng của chị Loan, nhiều nhà đầu tư sốt ruột khi tài sản giảm mạnh và liên tục hỏi về thời gian thích hợp để bắt đáy. Tuy nhiên, chị Loan cho rằng chứng khoán là thị trường có thể mua bất kỳ lúc nào, không nhất thiết phải mua ngay lập tức bởi thị trường chưa xác định xu hướng. Chị Loan chỉ biết động viên nhà đầu tư phải bình tĩnh.

"Tôi vẫn hướng nhà đầu tư phải giữ bằng được tài sản và chờ đợi thị trường tăng trở lại, dù có thể sẽ lâu. Nhà đầu tư phải xác định thị trường giảm mạnh thì cũng có thể lên mạnh. Tuy nhiên hướng và vậy chứ đưa ra lời khuyên thế nào vào thời điểm này đều là mạo hiểm", chị cho hay.

Chứng khoán 2 lần thủng mốc 1.300 điểm chỉ trong một tháng trở lại đây. (Ảnh: FireAnt)

Còn ông Nguyễn Khoa Bảo, trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS cho biết các ngưỡng hỗ trợ đang tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng đám đông. "Các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bắt đáy và hạn chế giao dịch. Các nhà đầu tư trung hạn, dài hạn có thể chọn lọc, gia tăng thêm cổ phiếu ở các phiên giảm điểm mạnh này", ông nói.

Trước vấn đề nhiều nhà đầu tư cho biết tắt app khi thị trường giảm mạnh, ông Bảo cho biết không nên tắt app mà càng mất tiền càng phải theo dõi sát sao thị trường để có những chiến lược hợp lý trong việc phân bổ tỉ trọng tài sản.

Với xu hướng bán mạnh trên thị trường hiện tại, ông Bảo cho biết nếu cắt lỗ thì đã quá muộn bởi thị trường đã giảm mạnh hơn một tháng nay, nhưng mua vào cũng không thể khẳng định thị trường đã chạm đáy bởi đây đã là lần thứ 2 thị trường thủng mốc 1.300 điểm. "Dù thị trường lại tăng điểm thì cũng không ai biết liệu có lại thủng mốc này lần nữa không, hay thậm chí còn hơn thế", ông nói.

"Nếu chờ đợi chỉ số VN-Index tiếp tục cân bằng quanh ngưỡng khoảng 1.300 điểm và tạo nền tích lũy với khối lượng thấp, tôi nghĩ nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng trở lại, còn nếu thị trường còn giảm mạnh thì tốt nhất nên chờ đợi thêm thời gian nữa cho tới khi thị trường xác lập xu hướng cụ thể", ông cho hay.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến