Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần tới (từ 20-24/12), giới phân tích từ công ty chứng khoán cho rằng mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập theo xu hướng tích lũy đi ngang hiện tại của chỉ số chung và ít có khả năng sẽ xuất hiện một nhịp giảm mới trong ngắn hạn.
Xu hướng tích lũy đi ngang
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, VN-Index trải qua tuần (từ 13-17/12) tăng điểm, nhưng nếu nhìn dài hơn thì diễn biến trong tuần chủ yếu là giằng co trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.470 điểm kể từ sau khi chỉ số ghi nhận nhịp điều chỉnh giảm mạnh gần 100 điểm từ đỉnh gần nhất là 1.500 điểm.
Sau khi đã giảm khá mạnh trong tuần trước sau những thông tin tiêu cực về biến thể Omicron, nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới cũng như giá các hàng hóa cơ bản đều hồi phục trong tuần này.
Tuy vậy tác động trước mắt của các yếu tố này đến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là không đáng kể, khi hầu hết các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đều không ghi nhận sự thay đổi lớn.
VCBS nhìn nhận rằng một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập theo xu hướng tích lũy đi ngang hiện tại của chỉ số chung và ít có khả năng sẽ xuất hiện một nhịp giảm mới trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư đã bắt đầu có thể cân nhắc giải ngân dần để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực cho danh mục đầu tư trung và dài hạn cho năm 2022, VCBS khuyến nghị.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS nhận định tuần qua, các thông tin chi phối thị trường chứng khoán là việc các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới có động thái giảm nới lỏng, thậm chí tăng lãi suất, trong khi yếu tố chi phối trong nước là tuần cơ cấu của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) và đáo hạn phái sinh.
VN-Index đã có thêm 16,25 điểm trong tuần này, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là đi ngang và tiệm cận vùng đỉnh cũ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là địa chỉ được quan tâm hơn cả.
Về kỹ thuật, cả 2 nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đều đã vượt đỉnh thành công, do vậy có lợi thế hơn so với nhóm bluechips (cổ phiếu vốn hóa lớn, nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư và mang tính dẫn dắt thị trường).
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng VN-Index vẫn thể hiện động thái thận trọng tại vùng cản 1.480-1.490 điểm và khả năng vượt vùng cản này vẫn chưa được cải thiện, rủi ro dần suy yếu nhưng vẫn tiềm ẩn.
Có góc nhìn lạc quan hơn, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định, VN-Index tiếp tục nằm trong xu hướng tăng và trong tuần giao dịch tiếp theo 20 -24/12, chỉ số này có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng tới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 13-17/12, VN-Index tăng 16,25 điểm lên 1.479,79 điểm; HNX-Index tăng 5,45 điểm lên 456,2 điểm. Thanh khoản trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 31.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 20,3% lên 140.929 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 18,6% lên 4.778 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,9% lên 17.451 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 1,3% lên 631 triệu cổ phiếu.
Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng trong tuần qua. Cổ phiếu ngành tài chính và công nghiệp tăng mạnh nhất với 3,3% giá trị vốn hóa, nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu bất động sản như: NVL tăng 1,9%, VHM tăng 4,4%, KDH tăng 5,4%, NLG tăng 15,9%, DIG tăng 32,8%, CEO tăng 39,1%...; các cổ phiếu chứng khoán như: HCM tăng 5,4%, VND tăng 1,3%, MBS tăng 1%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng có mức tăng 2,1% giá trị vốn hóa, nhờ mức tăng của các trụ cột như: GAS tăng 2,5%, POW tăng 5,2%, NT2 tăng 6,1%...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cổ phiếu nguyên vật liệu tăng 1,2%, nhờ sự hồi phục của các cổ phiếu thuộc nhóm thép như HPG tăng 0,4%, TLH tăng 2,7%, HSG tăng 4,6%, NKG tăng 5,3%...
Cổ phiếu hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin cùng mức tăng 1,1% giá trị vốn hóa. Các mã như: MSN tăng 2,6%, FPT tăng 0,6. Cổ phiếu dầu khí tăng 0,6% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 0,5%, dược phẩm và y tế tăng 0,3%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng giảm 1,5% giá trị vốn hóa đã tạo áp lực lên thị trường, với các mã tiêu biểu như: VPB giảm 5,6%, VCB giảm 3,5%, SHB giảm 3,3%, TPB giảm 1,3%, OCB giảm 0,9%, TCB giảm 0,7%, ACB giảm 0,6%, MBB giảm 0,5%...
Lo ngại kết thúc kỷ nguyên lạm phát thấp
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong khi các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới giảm điểm, khi các nhà giao dịch đánh giá các kế hoạch chống lạm phát của các ngân hàng Trung ương thông qua việc kết thúc kỷ nguyên lãi suất thấp.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ khép lại tuần qua giảm điểm, khi các nhà giao dịch lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ đẩy mạnh việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 48,03 điểm phiên cuối tuần (17/12) xuống 4.620,64 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 532,2 điểm xuống 35.365,44 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 10,75 điểm xuống 15.169,68 điểm.
Chỉ số S&P 500 có mức giảm cả tuần mạnh nhất trong ba tuần và chỉ số Dow Jones giảm năm trong sáu tuần qua, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm ba trong bốn tuần qua.
Sức ép lạm phát, tình trạng thiếu lao động và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm chậm đà phục hồi của các thị trường tài chính Mỹ và châu Âu. Các nhà giao dịch vẫn lo ngại về sự kết thúc của kỷ nguyên lạm phát thấp vốn là lực đẩy của các thị trường.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) là ngân hàng lớn đầu tiên tăng lãi suất, với quyết định được đưa ra vào ngày 16/12. Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất vào một ngày sau đó và một số các ngân hàng khác đã tăng hoặc sẵn sàng tăng.
Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán cũng giảm điểm phiên 17/12. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2% xuống 23.192,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,16% xuống 3.632,36 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,79% xuống 28.545,68 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,38% lên 3.017,73 điểm.
Các thị trường Singapore, Wellington, Mumbai, Bangkok, Manila và Jakarta đều đi xuống, trong khi thị trường Sydney và Taipei tăng./.
Tác giả: Văn Giáp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy