Dòng sự kiện:
Chứng khoán Việt Nam lập đỉnh mới, chuyên gia nói gì?
01/06/2021 18:04:28
Thị trường chứng khoán liên tục tăng lên các mốc cao mới, với những phiên thanh khoản tỷ USD, khiến sàn HOSE lặp lại tình trạng nghẽn lệnh.

Những phiên giao dịch tỷ USD diễn ra thường xuyên. Ảnh minh họa: TTXVN
 
Giới chuyên gia cho rằng, dòng tiền sẽ vẫn ở lại thị trường chứng khoán, nhưng dư địa tăng có lẽ không còn nhiều.
 
Dòng tiền nhiều khiến HOSE nghẽn lệnh trầm trọng trong phiên giao dịch 1/6 và HOSE đã phải ngừng giao dịch phiên chiều.
 
Theo thông báo của HOSE gửi các công ty chứng khoán thành viên về sự cố giao dịch sáng 1/6, do giá trị giao dịch chứng khoán tại HOSE vượt mức 21.700 tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động an toàn của hệ thống.
 
Chính vì vậy, HOSE công bố ngừng giao dịch phiên chiều 1/6. Giá đóng cửa của chứng khoán niêm yết trên HOSE ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng.
 
Theo đó, VN-Index đã khép lại phiên giao dịch với mức tăng 9,73 điểm lên 1.337,78 điểm. Đây là mức điểm chốt phiên cao nhất trong lịch sử giao dịch của chỉ số này.
 
Tại sàn HNX và UPCom vẫn giao dịch bình thường trong phiên chiều. HNX-Index chốt phiên tăng 0,36% lên 319,01 điểm và UPCom-Index tăng 0,11% lên 88,87 điểm. Thanh khoản toàn thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 28.000 tỷ đồng.
 
Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt-TVSI, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhờ các nhóm dẫn dắt là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
 
Đặc biệt, tại các mã cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn trong các nhóm này có mức tăng “nóng”, chứng tỏ dòng tiền hiện tại vẫn đang duy trì tại các nhóm cổ phiếu này.
 
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đối với những có phiếu tăng giá mạnh nhưng có nền tảng cơ bản yếu có thể xảy ra các nhịp điều chỉnh.

Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt-TVSI. Ảnh: BNEWS phát

Bình luận về việc dòng tiền đổ mạnh vào thị trường trong thời gian qua, ông Nam cho biết, tỷ lệ margin (giao dịch ký quỹ) tại các công ty chứng khoán đạt rất cao. Công ty chứng khoán đang gấp rút việc tăng vốn để nâng tỷ lệ cho vay margin, nhằm phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư.

Hiện tại nhu cầu đầu tư đang rất lớn. Thực tế cho thấy, thanh khoản một vài phiên trở lại trên sàn HOSE đạt từ 23.000 - 25.000 tỷ đồng, khiến sàn HOSE xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh.

Dòng tiền đến từ việc số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng mạnh trong những tháng gần đây. Hơn nữa, dư tiền mặt của các nhà đầu tư tại công ty chứng khoán cũng lớn nhất trong lịch sử.

Theo ông Nam, nghẽn lệnh đang ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đặc biệt thời điểm cuối phiên giao dịch. Điều này có thể làm cho việc cung cầu không được đáp ứng ngay trong phiên mà phải chờ đến phiên của ngày hôm sau.

“Về nghẽn lệnh thì chúng ta đã bàn rất nhiều và tôi hy vọng việc HOSE phối hợp với một số công ty phần mềm lớn, khơi thông được trong thời gian tiếp theo”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, chỉ số VN – Index tăng mạnh trong thời gian qua không quá bất ngờ. Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021, Yuanta Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản; trong đó, có kịch bản cơ sở có xác suất lớn nhất là VN - Index hướng đến mục tiêu cao nhất năm 2021 là 1.364 điểm. Hiện tại, VN - Index đã khá sát mức này.

Khi chỉ số hướng về mốc này thì P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của thị trường Việt Nam đâu đó đạt mức khoảng 18 lần trong năm nay. Đây cũng là mức định giá hợp lý đối với một thị trường cận biên như Việt Nam. Cho nên khi chỉ số tiến về 1.364 điểm thì dư địa tăng giá sẽ không còn nhiều.

Xét về từng nhóm ngành thì thép và ngân hàng là 2 nhóm tăng mạnh nhất trong thời gian vừa qua. Đối với với ngành thép, dư địa tăng giá không còn nhiều. Thực tế trước đó, nhóm thép tăng là do giá nguyên vật liệu thép đầu vào tăng nóng và được hưởng lợi từ tăng đầu tư công, đã đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp thép tăng trưởng mạnh.

“Tuy nhiên hiện nay giá thép đang có dấu hiệu hạ nhiệt, theo đó nhiều khả năng nhóm thép không còn dư địa tăng giá nhiều nữa”, ông Minh nói

Ngoài ra, giá thép cũng tăng giảm theo chu kỳ. Trước đó, do lượng tồn kho thép tăng mạnh vào đầu năm nên khi giá thép tăng lên thì doanh nghiệp hưởng lợi. Còn khi lượng tồn kho giảm thì buộc doanh nghiệp thép phải sản xuất và nhập kho mới, điều này lại trở thành rủi ro cho ngành thép vì giá nguyên liệu tăng cao sẽ ăn mòn vào biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành này. Vì vậy, trong ngắn và trung hạn nhóm thép không còn dư địa tăng trưởng nhiều, ông Minh nhìn nhận.

Đối với ngành ngân hàng vừa qua, ông Minh cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành này tăng nóng phần lớn đến từ câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2021.

Nhóm doanh nghiệp này có lợi nhuận trung bình tăng khoảng 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý II và quý III, nhiều khả năng mức tăng lợi nhuận có chiều hướng thu hẹp, tức là vẫn tăng trưởng dương, nhưng không còn nóng như quý I. Điều này đồng nghĩa với việc dư địa tăng trưởng thêm cho cổ phiếu ngành ngân hàng có lẽ không còn nhiều.


Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: BNEWS phát

Bên cạnh đó, nếu tính tỷ lệ giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B) thì hầu như mức trung bình của các ngân hàng hiện nay đều hơn 2 lần. Nếu tỷ lệ này dưới 2, mức định giá của cổ phiếu ngân hàng đó mới còn hấp dẫn, còn ở mức trên 2 lần, đồng nghĩa với mức định giá không còn rẻ nữa. Vì vậy, ông Minh cho rằng, có thể dư địa tăng giá của ngành ngân hàng cũng không còn nhiều.

Như vậy xét về các nhóm ngành có thể nhận thấy, thị trường không còn dư địa tăng giá nhiều, nhất là khi chỉ số VN- Index đang tiệm cận về vùng 1.364 điểm. Chính vì thế, theo ông Minh trong giai đoạn này việc lựa chọn đầu tư sẽ tương đối khó khăn.

Theo vị chuyên gia này, VN - Index có vượt qua được 1.364 điểm hay không thì sẽ phụ thuộc 2 vấn đề. Thứ nhất là lãi suất ngân hàng được duy trì mức thấp như hiện tại. Theo ông Minh, khả năng cao là lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp và nếu có tăng thì sẽ tăng nhẹ. Năm nay, dòng tiền sẽ vẫn vào thị trường chứng khoán chứ chưa thể đi vào kênh nào khác, trừ khi quý III và quý IV, tình hình thanh khoản thị trường bất động sản tích cực trở lại có thể là kênh “hút” tiền, ông Minh nhận định.

Ông Minh cho rằng, lượng nhà đầu tư mới nhiều khả năng sẽ còn gia tăng trên thị trường chứng khoán, có nghĩa là dòng tiền từ kênh bất động sản và dòng tiền từ các kênh khác hiện nay đang chảy vào “chỗ trũng” là thị trường chứng khoán. Đây là một trong những yếu tố để hỗ trợ cho thị trường tiếp tục đà tăng giá.

“Nếu những điều này xảy ra thị trường sẽ như thế nào? Thực ra chúng ta kỳ vọng thị trường tăng lên 1.364 hay mức nào đó để có cơ sở quản trị rủi ro. Tuy nhiên tôi đánh giá, kịch bản VN - Index vượt qua mốc này chỉ có xác suất 25%. Kịch bản này có thể VN - Index hướng đến mốc rất cao là 1.700 điểm”, ông Minh nhận định.

Theo ông Minh, kịch bản này phụ thuộc vào mức định giá của thị trường, Trong lịch sử, chỉ số P/E đã từng ở mức 22 lần vào năm 2018. Nếu dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn “ồ ạt” chảy vào thị trường chứng khoán thì P/E có thể rơi vào mức 22 lần và VN - Index có thể đạt 1.700 điểm.

Thực tế, đến thời điểm này cũng chưa có nhiều yếu tố để khẳng định dòng tiền cá nhân còn tiếp tục độ nóng như năm 2020 và đầu năm 2021 hay không.

“Liệu tiền có chảy vào ồ ạt vào chứng khoán hay không còn chưa khẳng định được, bởi bản chất thị trường chứng khoán cũng giống hàng hóa, khi nhà đầu tư thấy giá trị hàng vẫn hợp lý họ sẽ mua vào và giá tiếp tục đi lên. Nếu giá không còn hợp lý nữa, nhà đầu tư sẽ chờ lúc thị trường đi xuống mới giải ngân”, ông Minh nói./.

Tác giả: Văn Giáp

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến