Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo cao nhất quý I.
Trong đó, Công ty Chứng khoán VPS vẫn giữ vị trí quán quân về thị phần môi giới cổ phiếu với 15,67% và là quý thứ 9 liên tiếp thống lĩnh bảng xếp hạng. Con số này đã tăng so với quý liền trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức kỷ lục 18,71% của quý III/2022.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI đang rút ngắn khoảng cách với VPS khi tăng mạnh thị phần từ 9,96% lên 11,53%. Đây cũng là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng thị phần tốt nhất trong các công ty lớn ngành chứng khoán. Kết quả này một phần nhờ số lượng tài khoản mở mới tại SSI trong quý đầu năm đã tăng gấp 1,5 lần so với quý IV/2022.
Ngược lại, Công ty Chứng khoán VNDirect lại tỏ ra hụt hơi trong nhóm dẫn đầu sau giai đoạn bứt tốc trước đó. Nhà môi giới này ghi nhận thị phần tiếp tục giảm sâu về còn 6,8% trong quý I. Tuy vậy, công ty vẫn duy trì được vị trí trong top 3.
Với Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhà môi giới này đang ghi nhận tăng trưởng trở lại khi thị phần tiếp tục nhích lên 6,32%, qua đó vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng các nhà môi giới lớn nhất sàn HoSE. Ngược lại, Công ty Chứng khoán Mirae Asset bị tụt xuống vị trí thứ 5 khi chỉ còn nắm giữ 5,9% thị phần môi giới trên sàn TP.HCM.
Trong bối cảnh nhóm dẫn đầu gia tăng thị phần, các công ty chứng khoán phía sau chủ yếu ghi nhận sự đi lùi so với quý cuối năm ngoái, như Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán MB (MBS), Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), hay Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam.
Trường hợp đáng chú ý khác là Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã lọt vào top 10 quý này với thị phần 3,03%, qua đó đẩy Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ra khỏi bảng xếp hạng của HoSE.
Tổng thị phần của nhóm 10 nhà môi giới dẫn đầu tại sàn HoSE ước đạt 66,76%, tăng nhẹ 1,5% so với quý liền trước. Sự mở rộng này chủ yếu đến từ tăng trưởng của nhóm dẫn đầu VPS, SSI và HSC.
Trên thị trường chứng khoán, sau nhịp điều chỉnh sâu của VN-Index năm 2022, thị trường trong nước bước sang năm 2023 với nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.
Các diễn biến phức tạp trên thị trường trái phiếu và bất động sản vẫn còn hiện hữu, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Chính phủ và NHNN đã có những động thái trong việc hỗ trợ về mặt chính sách, bao gồm việc ban hành Nghị định 08 gỡ vướng về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững hay việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành…
Tính đến hết quý I, chỉ số VN-Index tăng 5,7% so với đầu năm, đạt mức hơn 1.064 điểm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 10.053 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng 3.092 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy