'Chúng tôi không cần thảm đỏ, chỉ cần đường nhựa để đi'
11/08/2016 08:34:18
ANTT.VN - Sáng 10/8, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2016 nhằm tiếp thu phản ánh và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Hội nghị do văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở kế hoạch Đầu tư cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Chi nhánh VCCI Thanh Hóa tổ chức.

Tham dự Hội nghị có thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, đại diện các Sở, ban, ngành, chủ tịch các thành phố, huyện thị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, chi nhánh VCCI Thanh Hóa, Hội Doanh nhân nữ cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hội nghị này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi vẫn còn dư âm vụ “lùm xùm” từ sau khi doanh nghiệp Huy Lâm tố cáo Sở Xây dựng Thanh Hóa nhũng nhiễu chậm trễ thẩm định hồ sơ doanh nghiệp và dẫn đến những cuộc “đấu tố nảy lửa” giữa Sở này với Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh nhà.

Vụ việc kéo dài một thời gian đã tạo ra một luồng dư luận không tốt về môi trường đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa. Và cuộc hội nghị này được xem như động thái của UBND tỉnh nhằm thông qua đối thoại, hàn gắn mối quan hệ giữa cộng đồng DN Thanh Hóa với các cấp chính quyền của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Nguyễn Đình Xứng – Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là cuộc gặp gỡ định kỳ theo Nghị quyết 35 để tiếp thu nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và chỉ đạo giải quyết những vấn đề thúc đẩy kinh doanh và hoàn thành kế hoạch 2016... Việc tháo gỡ khó khăn cho DN không chỉ là gặp gỡ định kỳ mà còn là trách nhiệm thường xuyên của các sở ngành và lãnh đạo tỉnh.”

Trong phần báo cáo tóm tắt tổng hợp những khó khăn vướng mắc và biện pháp giải quyết các kiến nghị, đề xuất của DN, Bà Lê Thị Thìn – Phó chủ tịch UBND tỉnh đã tổng hợp thành 5 nhóm vấn đề bao gồm các khó khăn liên quan đến tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, khó khăn trong chậm thanh toán tiền công trình cho DN, về cải cách thủ tục hành chính và khó khăn trong việc hưởng ưu đãi của các chính sách.

Hội nghị dành phần lớn thời gian để lắng nghe và giải đáp những thắc mắc kiến nghị của DN xung quanh 5 nhóm vấn đề nói trên.

Ông Lê Bá Liên - GĐ Cty CP Tư vấn và Xây dựng VN phản ánh: “Trong những năm qua chúng tôi đã thi công một số công trình trong đó có công trình đã làm xong quyết toán 3 năm, 5 năm nhưng vẫn không quyết toán được..., tỉnh nhiều lần có văn bản, huyện trả lời làm mất thất lạc hồ sơ thẩm định, tôi nghĩ đấy là trách nhiệm của huyện, mất rồi thì thẩm định lại chứ tại sao mà 5 năm nay vẫn không giải quyết vấn đề?”

Ông Lê Bá Liên - GĐ Cty CP Tư vấn và Xây dựng VN

Ông Nguyễn Quang Duy – Phó tổng giám đốc Tcty CP Hợp Lực phản ánh về việc Tcty Hợp Lực muốn xin đầu tư bệnh viện đa khoa tại huyện Nghi Sơn. Đến thời điểm này, tỉnh đã có chủ trương thu hồi đất của Cty CP Thăng Long (cty này trước đây có xin chủ trương xây dựng nhưng đã quá hạn mà chưa xây dựng nên phải thu hồi đất) mà đến nay chưa thu hồi được, và thông qua đó muốn tỉnh trả lời dứt điểm có thu hồi được hay không để được chủ động phương án đầu tư...

Ông Nguyễn Quang Duy – Phó tổng giám đốc Tcty CP Hợp Lực

Ông Duy cũng dành nhiều tâm huyết đóng góp ý kiến về môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa. “Tại sao DN nợ đọng thuế, nợ BHXH thì báo chí lên tiếng rồi kiểm điểm kỷ luật các kiểu, trong khi Nhà nước nợ đọng xây dựng cơ bản bao nhiêu năm chả thấy làm sao?” – ông Duy đặt câu hỏi rồi tự đề xuất: “DN chúng tôi không cần thảm đỏ, chỉ cần có đường nhựa mà đi là được rồi... Tôi chỉ cần các cơ quan quản lý vận dụng đúng pháp luật là mừng lắm rồi. Hiện nay một số anh chị lợi dụng mọi ràng buộc của pháp luật để gây khó dễ cho DN...”.

Ông Bùi Huy Long – Chủ Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm tiếp tục làm nóng diễn đàn khi đề cập lại câu chuyện cũ đã gây nhiều dư luận trái chiều suốt thời gian qua. Theo ông Long, dự án xây dựng bể bơi và khu vui chơi cho trẻ em tại huyện Thạch Thành của ông bị Sở Xây dựng Thanh Hóa chậm trễ thẩm định hồ sơ, sau đó khi bị DN tố cáo thì tiến hành thanh tra để trả đũa và không cấp phép xây dựng khiến DN lao đao. Đến khi vụ việc vỡ lở, báo chí vào cuộc, Sở này buộc phải cấp phép cho dự án mà trước đây đã khẳng định là không thể thẩm định được.

Ông Bùi Huy Long – Chủ Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm

“Sở xây dựng cố tình triệt tiêu DN của tôi, không cho DN tôi tiến hành dự án, tôi kiến nghị Chủ tịch tỉnh trả lời thẳng thắn có tháo gỡ hay không?... Chủ tịch tỉnh nhiều lần nói đây là chuyện nhỏ, nhưng tôi khẳng định đây là chuyện lớn chứ không phải chuyện nhỏ vì nó liên quan đến con người, cụ thể là vài chục nhân viên của tôi đang chết đói nằm chờ dự án được phê duyệt. Đã liên quan đến con người thì dù một người cũng không thể gọi là chuyện nhỏ...” – ông Long bức xúc nói.

Hội nghị đã tập hợp được 18 ý kiến phát biểu của doanh nghiệp. Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền, đại diện chính quyền các huyện thị và các sở ngành liên quan lần lượt trả lời thắc mắc của DN.

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng trực tiếp có ý kiến chỉ đạo giải quyết 18 vấn đề DN nêu ra, đồng thời phát biểu chỉ đạo chung đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như hoạt động quản lý của các cấp chính quyền, sở ngành trên địa bàn.

Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt” và được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái. Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài tiềm năng đó chưa được chuyển hoá thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là điều khiến các cấp chính quyền trong tỉnh trăn trở.

Để phát huy những tiềm năng lợi thế vốn có cũng như tạo ra các dư địa phát triển mới, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa quyết liệt triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn với nhu cầu thị trường; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải phóng nguồn lực, thu hút đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Những nỗ lực trên đã có tác động quan trọng đến việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,4%, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới. Tỉnh đã thu hút được 668 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 34 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 129.000 tỷ đồng và 2,57 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án FDI với số vốn đầu tư tăng thêm 3,065 tỷ USD; huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 327 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần giai đoạn 2006 – 2010. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong quá trình triển khai dù chủ trương chính sách tốt, lãnh đạo chính quyền quyết tâm nhưng chất lượng, hiệu quả thực thi nhiều lúc, nhiều nơi, đặc biệt là cấp cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chung của tỉnh trong việc cải thiện chất lượng điều hành của bộ máy công quyền.

Đây chính là lý do mà những cuộc đối thoại với doanh nghiệp luôn được tỉnh và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm nhằm tiến tới thấu hiểu, chia sẻ và hợp tác ngày càng hiệu quả hơn.

Minh Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến