Dòng sự kiện:
Chuyên gia đề xuất cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ
25/08/2022 09:54:28
Tiếp tục phát hành trái phiếu là một trong những giải pháp được chuyên gia đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp bất động sản tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu.

Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phát hành lượng trái phiếu cao gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho bất động sản của nhóm doanh nghiệp này phải mất tới 4 năm để tiêu thụ hết.

Tình hình tài chính khó khăn trong khi thời điểm đáo hạn trái phiếu đã cận kề, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải chật vật tìm cách “xoay tiền” trả nợ nhà đầu tư.

Xem xét phát hành trái phiếu để đảo nợ

Chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 540.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Trước tình hình này, doanh nghiệp có hai cách để xử lý. “Một là mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính và mạnh dạn phát hành tiếp trái phiếu để đáo hạn. Vượt qua được nợ, mới có cơ hội tồn tại lâu dài trong thị trường”, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia, đề xuất doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ. Ảnh: BTC.

Cách thứ hai theo vị chuyên gia, doanh nghiệp có thể lựa chọn thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc làm này cũng tồn tại một số bất cập.

"Cơ quan quản lý cần cân nhắc, tránh hình sự hoá, các doanh nghiệp vừa đến thời điểm đáo hạn, không trả được nợ trái phiếu. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường và cả nhà đầu tư", ông phân tích.

Dẫn ví dụ về trường hợp của Tân Hoàng Minh, tập đoàn này có tài sản, muốn bán để trả nợ nhưng phải thông qua Bộ Công an, nhà đầu tư muốn nhận lại tiền cũng phải thông qua Bộ Công an, khiến vụ việc trở nên phức tạp.

Chia sẻ thêm về phương án phát hành trái phiếu mới để đảo nợ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng đảo nợ không xấu, như trường hợp Bộ Tài chính khi nâng kỳ hạn của trái phiếu Chính phủ, từ thời điểm trước kỳ hạn chỉ dài 1 đến 3 năm, nay đã đẩy lên 5 đến 10 năm, thậm chí 30 năm.

“Trong vòng 3 năm chúng ta đã làm được điều đó, làm được cũng bằng hai chữ minh bạch. Trái phiếu Chính phủ có thời hạn xông xênh, nếu cũng làm được như vậy với trái phiếu doanh nghiệp thì quá tốt”, ông Nghĩa nhận định.

Theo vị chuyên gia, lợi thế của trái phiếu doanh nghiệp là không phải kiểm tra vốn sở hữu, không phải trả nợ gốc, chỉ trả nợ lãi. Khi đến thời điểm đáo hạn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ.

Cần xếp hạng doanh nghiệp phát hành

Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thị trường cần bổ sung thêm yêu cầu về việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành.

Không có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp giống như đi trong sương mù. Các nhà đầu tư vẫn cảm thấy đi trong sương mù có cái hay của nó là vì chúng ta chưa thấu hiểu được cái minh bạch

TS. Lê Xuân Nghĩa


Hiện các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn có thể nghiên cứu sâu về trình độ quản trị, các dự án trong quá khứ và trong tương lai của doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ lại không làm được.

Theo vị chuyên gia, nếu có xếp hạng doanh nghiệp, những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không cần nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền… để quyết định đầu tư. Thay vào đó, nhóm nhà đầu tư này chỉ cần quan tâm đến thứ hạng của doanh nghiệp.

Vì vậy, để tránh tình trạng nhà đầu tư không may “đổ tiền” vào các doanh nghiệp yếu kém, thị trường rất cần các nghiên cứu thực hiện đánh giá thực tế, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (CRA) minh bạch và uy tín.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings. Ảnh: BTC.

Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở mức điểm tín nhiệm.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Tập đoàn Saigon Ratings, cho biết phần lớn tổ chức phát hành trên thị trường chưa thật sự hiểu rõ và quan tâm đến các lợi ích tổng thể của việc xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy, số lượng tổ chức thực hiện xếp hạng còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp từ giới hạn chất lượng tín nhiệm quốc gia (hiện ở mức BB+). Rất hiếm có tổ chức phát hành nào đạt mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn bậc xếp hạng quốc gia, vì vậy, phần lớn tổ chức tài chính, doanh nghiệp Việt Nam đều chỉ đạt được mức xếp hạng từ BB+ trở xuống và thuộc danh mục nhóm đầu cơ.

Tuy nhiên, với các CRA nội địa, với quy trình và phương pháp đánh giá phù hợp, các tổ chức này sẽ sử dụng thang so sánh chất lượng xếp hạng của hệ thống doanh nghiệp trong nước, các mức xếp hạng từ AAA, BBB đến D.

"Khi có tổ chức xếp hạng trong nước, nhà đầu tư chỉ cần đọc kết quả là biết độ rủi ro ở mức nào. Nhà đầu tư càng có nhiều thông tin, độ tin cậy càng cao và càng khuyến khích đầu tư", ông Minh nhấn mạnh.

Chủ tịch Saigon Ratings cho biết thêm mục tiêu cuối cùng là thị trường phải minh bạch thông tin và tổ chức xếp hạng tín nhiệm là đơn vị góp phần làm được điều đó. Kinh nghiệm cũng cho thấy nhiều nước đã áp dụng xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp để minh bạch thị trường và Việt Nam cần sớm đẩy mạnh yêu cầu này.

Tác giả: Thanh Vũ

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến