Dòng sự kiện:
Chuyên gia khí tượng lí giải về trận mưa lũ ở miền núi phía Bắc
26/06/2018 06:21:09
Đợt mưa lũ đầu mùa ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng Cục Khí tượng Thủy văn) xung quanh về nội dung này.

Thưa ông, nguyên nhân chính dẫn đến mưa lũ lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc những ngày qua là gì?

Bắt đầu từ đêm 22/6 ở miền núi một số nơi có mưa, nhưng mưa gia tăng từ đêm 23/6 và kéo dài đến đêm 24/6, tập trung ở miền núi phía Bắc từ Cao Bằng đến Lai Châu. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, riêng hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu có lượng mưa 300 - 400mm, là lượng mưa lớn trong vòng 24 giờ.

Nguyên nhân gây mưa thì đây là dạng xoáy thấp phát triển trên các tầng cao khí quyển khác nhau từ mặt đất đến 5.000 mét. Đây giống như một dạng xoáy thấp, tương đương với một cơn bão trên biển, có gió mạnh, gây mưa như xoáy thấp nhiệt đới gây bão trên biển. Xoáy thấp này đã gây mưa trong 2 - 3 ngày qua. Đây là hình thế điển hình gây mưa trong tháng 6.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng Cục Khí tượng Thủy văn) trao đổi với phóng viên.

Nguyên nhân gây lũ quét sạt lở đất đá vừa qua có 2 nguyên nhân chính: Một là lượng mưa lớn trong thời gian tương đối ngắn và với địa hình chia cắt của các tỉnh miền núi phía Bắc, có nhiều thung lũng lòng chảo nên việc dồn lượng mưa vào một vài khu vực rất lớn.

Thứ hai, cùng với yếu tố mưa lớn và địa hình, trong thời gian qua, khu vực miền núi phía Bắc liên tục có mưa. Mưa này khiến thổ nhưỡng, đất đai tích nhiều nước, khi nước rơi xuống, khả năng giữ nước không có, chỉ có nước trên bề mặt. Như vậy gây ra trận mưa lớn, lũ quét tại một số tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng...

Tình hình mưa lũ ở miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn, có thông tin cho rằng do chúng ta chưa có công tác thông báo, dự báo đầy đủ về đợt mưa lớn, lũ quét vừa rồi, thưa ông?

Đợt mưa lớn sau đó là lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra nghiêm trọng và cao điểm từ đêm ngày 23/6 - 24/6 gây thiệt hại về người và tài sản.

Trên cương vị là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, chúng tôi đã theo dõi, cảnh báo và dự báo đợt mưa lớn diện rộng này từ rất sớm.

Ngay từ chiều ngày 21/6, chúng tôi đã có những bản tin cảnh báo chính thức đầu tiên về đợt mưa lớn diện rộng này và dự báo, đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc sẽ có mưa lớn gia tăng từ đêm 23/6.

Đặc biệt, ngày 22/6, chúng tôi cũng có những bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đá chi tiết đến cấp huyện và đã gửi đi cơ quan chức năng, thông tin đại chúng, tất cả thông tin này đều cảnh báo trước từ 24 - 36 giờ.

Thời gian tới diễn biến thời tiết ra sao, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, thưa ông?

Chúng tôi nhận định đợt mưa lớn diện rộng còn tập trung cao điểm trong ngày 26/6 và có thể sau đó đến ngày 27/6 sẽ suy giảm nhanh và chuyển sang giai đoạn mới là giai đoạn nắng nóng. Với trọng tâm mưa như vậy, chúng tôi nhận định khu vực Tây Bắc, Việt Bắc đặc biệt là các tỉnh từ Cao Bằng, Bắc Kạn trở sang Điện Biên, Lai Châu, khu vực giáp ranh miền núi tiếp tục là khu vực trọng điểm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đá.

Ngoài ra, vùng đồng bằng ven biển cũng có những tác động khác trong ngày 26/6, như vậy toàn bộ Bắc Bộ sẽ vẫn còn mưa dông diện rộng trong hơn 1 ngày nữa và có thể đến ngày 28/6 chuyển sang trạng thái nắng và nóng toàn bộ ở Bắc Bộ.

Trung tâm đã chuẩn bị những gì đáp ứng tốt nhu cầu dự báo trong mùa mưa bão năm nay và có những cảnh báo gì đối với người dân ở vùng núi phía Bắc để sẵn sàng cho những đợt mưa lớn tiếp theo, thưa ông?

Chúng tôi đánh giá với mỗi thời điểm khi thiên tai xảy ra thì các thông tin đến người dân là quan trọng nhất, dù chúng ta dự báo đúng và chính xác nhưng thông tin không đến được với người dân và người dân không có biện pháp chủ động phòng tránh thì thiệt hại sẽ lớn.

Do vậy, chúng tôi mong muốn đầu tiên là chính quyền địa phương và người dân cần tập trung theo dõi bản tin cập nhật hàng ngày hàng giờ, có điều chỉnh phù hợp. Chính quyền địa phương cần có những biện pháp hỗ trợ người dân, đặc biệt người dân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của các cơ quan phòng chống thiên tai địa phương và sự chủ động của từng gia đình.

Trong tình hình hiện nay thiên tai và thời tiết diễn ra ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường hơn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có những biện pháp xây dựng các kịch bản dự báo dài hạn, trung hạn về số lượng các cơn bão xảy ra trong năm, số lượng cơn bão, nắng nóng... đã được dự báo rất xa. Trên cơ sở đó, chúng tôi triển khai các biện pháp từ nâng cao hệ thống quan trắc, thu thập xử lý số liệu để làm dữ liệu đầu vào. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng các mô hình và công nghệ tính toán hiện đại nhất đưa vào nghiệp vụ.Cùng với đó, là sự tham vấn các cơ quan khí tượng thế giới, chuyên gia trong nước.

Cuối cùng, để thông tin đến được với người dân, chúng tôi đã chi tiết hóa bản tin và tăng tần suất bản tin để phục vụ người dân cấp huyện, cấp tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Tin tức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến