Theo số liệu công bố hiện trạng rừng, tính đến hết năm 2020, diện tích đất có rừng trên cả nước đạt xấp xỉ 14,7 triệu hécta. Tuy nhiên, gần 3 triệu hécta rừng và đất rừng vẫn “chưa có chủ,” đang được “tạm” quản lý, bảo vệ bởi các Ủy ban Nhân dân xã.
Thực tế trên đang khiến việc giao đất, giao rừng “dậm chân tại chỗ” suốt 10 năm qua, trong khi hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - "vùng lõi nghèo của cả nước" vẫn đang thiếu đất sản xuất.
Gần 3 triệu hécta rừng "chưa có chủ"
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Bùi Văn Hải, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng theo quy định của pháp luật về đất đai, chính quyền cấp xã là cơ quan đại diện cho Nhà nước quản lý toàn bộ diện tích đất đai trong phạm vi hành chính xã theo thẩm quyền được pháp luật quy định, trong đó có đất rừng.
Hiện nay, phần lớn diện tích đang được các Ủy ban Nhân dân xã “tạm” quản lý chủ yếu là các diện tích đất do Nhà nước thu hồi đất và do các công ty nông, lâm trường trả lại mà Nhà nước chưa giao đất, cho thuê đất cho các đối tượng cụ thể.
“Do vậy, Ủy ban Nhân dân cấp xã quản lý quỹ đất này chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập phương án quản lý, sử dụng,” ông Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, thực hiện chủ trương chuyển đất và rừng từ các lâm trường về địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp xã tiếp nhận, sau đó thực hiện giao đất và rừng cho các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình cá nhân và các chủ rừng khác để trồng, chăm sóc, bảo vệ. Thế nhưng, đã 20 năm nay, công tác giao đất, giao rừng cho hộ cá nhân và tư nhân vẫn “dậm chân tại chỗ.”
Ông Nhị dẫn số liệu công bố năm 2009, toàn quốc có 2,3 triệu hécta rừng do Ủy ban Nhân dân xã quản lý. Thế nhưng, sau gần một thập kỷ, con số này không giảm mà còn tăng thêm. Đến năm 2020, diện tích rừng do cấp xã “tạm quản lý” đã lên tới trên 2,9 triệu hécta, tương đương 13% tổng diện tích đất có rừng tại Việt Nam.
Về nguyên nhân dẫn tới việc tồn tại diện tích rừng và đất rừng với số lượng lớn do các Ủy ban Nhân dân xã quản lý trong thời gian dài, ông Nhị cho rằng do thể chế giao đất của ngành tài nguyên môi trường có những khác biệt với việc giao rừng của ngành lâm nghiệp đồng thời trách nhiệm giữa hai ngành này cũng chưa rõ ràng.
“Rừng phải có chủ đã được ghi trong Luật Lâm nghiệp. Nếu chỉ hô hào mà vấn đề lại ở mãi cơ sở, đa số là vùng sâu vùng xa thì 5-10 năm nữa tình hình giao đất, giao rừng cũng ít có chuyển biến,” ông Nhị trăn trở.
Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng đưa ra nhận định có nhiều nguyên nhân khiến cho diện tích rừng do Ủy ban Nhân dân xã không những không giảm mà còn tăng. Trong số đó, có các nguyên nhân về quản lý nhà nước về đất đai và lâm nghiệp, thiếu nguồn vốn và kỹ thuật hỗ trợ cho công tác giao rừng.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Đáng chú ý là việc Ủy ban Nhân dân xã chậm giao đất giao rừng để hưởng lợi ích từ rừng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người dân/cộng đồng không muốn nhận các diện tích rừng nghèo, ở xa không thể canh tác…
Cần tạo quỹ đất sạch giao cho dân
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong diện tích rừng do Ủy ban Nhân dân cấp xã "tạm" quản lý, tỷ lệ diện tích không có rừng cao, chất lượng rừng thấp, hạ tầng rất kém hoặc không có hồ sơ rừng, không rõ ranh giới trên thực địa. Trong khi đó, Ủy ban Nhân dân xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng.
Mặt khác, nhiều diện tích đất rừng ở xa, thiếu sự phối hợp giữa xã với cơ quan chấp pháp nên tình trạng chặt phá rừng và vi phạm luật rất đáng báo động.
Thẳng thắn nhìn nhận thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tỷ lệ rất lớn diện tích rừng do Ủy ban Nhân dân cấp xã tạm quản lý, địa hình nhiều đồi núi dốc nên khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng.
Thực tế trên khiến tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép vẫn nhức nhối. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng tinh vi, manh động; quyền hạn của lực lượng kiểm lâm còn nhiều hạn chế.
Ông Hoan cũng khẳng định công tác giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn còn nhiều bất cập về vị trí pháp lý, quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng. Hiện vẫn chưa có sự đồng bộ về giao đất, giao rừng giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp. Theo ông Hoan, đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng đa số là hộ nghèo, trong khi rừng giao cho cá nhân, cộng đồng dân cư cũng là rừng nghèo, các sản phẩm tận thu dưới tán rừng hầu như chưa có.
Vì vậy, ông Hoan đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các tỉnh Tây Nguyên. Các bộ, ngành Trung ương cần sớm điều chỉnh, bổ sung thống nhất, đồng bộ giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ cần bổ sung một mục riêng hoặc một số điều vào Mục 4 trong Luật Đất đai về đất chưa giao; ban hành Quy chế quản lý rừng chưa giao để phân bổ và quản lý đồng bộ. Ngoài ra, ông Ngãi cũng đề xuất chính sách riêng cho Ủy ban Nhân dân xã được tiếp nhận đầu tư và hỗ trợ để quản lý rừng chưa giao.
Cùng với đó, pháp luật cũng cần quy định việc thống kê, kiểm kê, rà soát lại chỉ tiêu thống kê và phương pháp để hàng năm thống kê loại rừng và đất rừng bảo đảm đồng bộ giữa 3 cơ quan: Ủy ban Nhân dân các cấp, ngành lâm nghiệp và ngành quản lý đất đai để lập hồ sơ rừng theo dõi diến biến rừng hàng năm.
Góp thêm giải pháp, tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giảng viên Đại học quốc gia Australia, khuyến nghị Việt Nam cần tạo quỹ “đất rừng sạch” có tiềm năng sử dụng thực sự để giao cho cộng đồng, hộ gia đình; khi giao cho người dân trách nhiệm trồng, canh tác, bảo vệ rừng thì phải đi kèm với cho họ quyền lợi.
Với các chủ rừng, ông Phúc cho rằng cần phải có quyền và tư cách pháp nhân để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng rừng tạo chuỗi cung bình đẳng và cùng có lợi, hộ sử dụng quyền đất đai góp vào liên kết. Đối với rừng nghèo kiệt nên giao cho cộng đồng hoặc nhóm hộ khoanh nuôi bảo vệ; với đất đã có rừng, nên giao cho các hộ quản lý bảo vệ và khai thác khi cây tới chu kỳ và tái trồng rừng.
Tác giả: Hùng Võ
- Bình Định: Thẩm định hồ sơ xin chuyển từ đất rừng thành khu du lịch cao cấp
- Hà Tĩnh cho phép chuyển đổi hơn 24ha đất rừng làm Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II
- Lâm Đồng thu hồi một dự án sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng trên đất rừng
- Phó Thủ tướng giao Vĩnh Phúc xử lý dứt điểm việc xây biệt thự trên đất rừng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy