Tại tọa đàm “Kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản - Chính sách và tác động” do Báo Xây dựng tổ chức sáng 11/5, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng siết vốn đầu tư vào bất động sản là cần thiết song cần có giải pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tránh nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống.
PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đánh giá thị trường bất động sản đã "nghẽn" 2 năm qua và cơ hội bùng nổ đang đến khi có các chương trình phục hồi kinh tế.
"Vậy thì việc siết và kiểm soát nguồn vốn vào bất động sản vào khuôn phép có khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội phát triển không? Khi cơ hội bùng nổ thì cách tiếp cận chính sách có khác lúc bình thường? Chính sách có đủ táo bạo để không chỉ phục hồi mà còn tạo ra những cơ hội phát triển?", ông đặt vấn đề.
Thị trường bất động sản đang đối diện nguy cơ thiếu vốn do tác động kép từ Covid-19 và các quy định siết chặt huy động vốn. Ảnh: Quỳnh Danh.
"Dừng cho vay bất động sản chỉ xảy ra cục bộ"
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, khẳng định Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức nào yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 8% đối với bất động sản.
Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng gần đây tạm dừng giải ngân do 2 vấn đề: Những tổ chức tín dụng đó đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý I và một số dự án, chủ đầu tư đang có vấn đề về pháp lý.
"Do đó, tình trạng này xảy ra ở cục bộ, chứ không phải ở nhiều tổ chức tín dụng. Như vậy, nhiều dự án vẫn sẽ được triển khai", ông nói.
Cần có quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp. TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia. |
Theo chuyên gia này, cần có quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp.
"Có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt, cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư bất động sản, cơ quan tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản... Đồng thời, có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp" ông nêu quan điểm.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, ngoài nguồn tín dụng, doanh nghiệp cần lưu tâm, linh hoạt huy động từ các kênh khác (phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, trái phiếu công trình...). Đặc biệt hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán.
Theo một số chuyên gia, không nên siết tín dụng bất động sản mà cần có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề. Ảnh: Quỳnh Danh.
Việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình
Ởgóc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng cần thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào bất động sản, tuy nhiên do 2 năm qua ảnh hưởng dịch Covid-19 nên có thể kéo dài đến năm 2023.
Chủ tịch HoREA nhắc lại bài học thời điểm năm 2011 khi thị trường tái quay lại tình trạng “bong bóng bất động sản”. "Tháng 2/2011, Chính phủ tiếp tục lần thứ hai thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua Nghị quyết 11. Ngay lập tức thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đóng băng", ông nói.
Do đó, cần phải rút ra bài học thắt chặt tiền tệ, tín dụng năm 2008 và năm 2011 đã dẫn đến thị trường bất động sản hai lần bị đóng băng trong hơn 10 năm qua.
“Việc có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là cần thiết nhưng cần giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023 đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó, rà soát, sửa đổi các quy định để việc phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư", ông Châu đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đề xuất không nên siết các chính sách tín dụng, thay vào đó cần có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề - đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá... còn lại nên thúc đẩy, khuyến khích.
"Đối với phát hành trái phiếu, nên tiếp tục duy trì và cần có những quy định mới, kiểm soát tính minh bạch, lành mạnh, làm thị trường trong sạch. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư để doanh nghiệp sớm được tiếp cận", ông kiến nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhấn mạnh nên kiểm soát một cách hợp lý thị trường bất động sản.
"Dòng vốn tín dụng vẫn phải chạy vào bất động sản đầu tư, nên ưu tiên các dự án bất động sản đang triển khai để nhanh cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, cần chú ý hơn đến nguồn cung nhà ở giá vừa phải", ông nói.
Đồng thời, ông cho rằng cần đẩy mạnh nguồn cung trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cho vay nhiều hơn. Ngoài ra, ông có một số kiến nghị như: Kiểm soát dòng tiền chạy theo tiến độ; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy