Dòng sự kiện:
Chuyên gia: Ưu tiên miễn dịch cộng đồng trước 'mũi tiêm tăng cường'
03/09/2021 11:34:45
Theo Chủ tịch Hiệp hội bác sỹ ngành Y tế công Malaysia, chương trình tiêm chủng quốc gia nên ưu tiên tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt trước khi cân nhắc việc triển khai mũi tiêm nhắc lại.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur (Malaysia), ngày 29/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc tranh luận về việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 đang nóng lên trên toàn cầu do lo ngại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm sang những người đã hoàn thành tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, có thể còn quá sớm để thúc đẩy việc tiêm mũi tăng cường COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người trên thế giới thậm chí còn chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Chủ tịch Hiệp hội bác sỹ ngành Y tế công Malaysia (PPPKAM), Tiến sỹ Zainal Ariffin Omar cho biết, Chương trình tiêm chủng quốc gia nên ưu tiên tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt trước khi cân nhắc việc triển khai mũi tiêm nhắc lại.

Theo ông, việc tiêm nhắc lại để tăng hiệu quả cho những người đã có khả năng bảo vệ không nên được ưu tiên hơn những người không có khả năng bảo vệ. “Việc tiêm chủng đại trà phải được ưu tiên trước khi xem xét tiêm nhắc lại và không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người được an toàn.”

Ngày 26/8, Tổng thư ký Bộ Y tế Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah cho biết, những mũi tiêm nhắc lại cho những người đã hoàn thành tiêm chủng COVID-19 sẽ không hạn chế được biến thể Delta.

Ông cho biết vaccine COVID-19 hiện tại đang được sử dụng ở Malaysia đã chứng minh hiệu quả chống lại biến thể Delta, bằng chứng là tỷ lệ nhập viện giảm, tỷ lệ sử dụng giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) và sử dụng máy thở cho bệnh nhân cũng giảm.

Hiện tại, có năm loại vaccine được phê duyệt theo Chương trình tiêm chủng Quốc gia ngừa COVID-19, đó là Pfizer-BioNTech, Sinovac, AstraZeneca, CanSino Biologic và Janssen của Johnson & Johnson.

Tính đến ngày 28/8, khoảng 61,1% dân số của Malaysia tương đương với 14.297.962 người đã hoàn thành tiêm chủng. Ông cũng cho biết, hiện tại một số quốc gia đã tiêm mũi thứ ba cho người dân vì họ có đủ nguồn cung vaccine và đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, tại Malaysia vẫn còn nhiều người chưa được tiêm phòng.

Ý kiến của các chuyên gia y tế Malaysia cũng trùng hợp với các chuyên gia y tế thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ ba về Dược phẩm và Khoa học về sức khỏe năm 2021, được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến, Giáo sư, Tiến sỹ Teresa Lambe  người đồng sáng chế vaccine Oxford-Astrazeneca - cho biết, việc tiêm mũi thứ 3 là chưa cần thiết, vì điều quan trọng hơn là ưu tiên tiêm mũi đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt trên quy mô toàn cầu.

"Đó thực sự là một trong những lĩnh vực mà tôi đang thực hiện trong phòng thí nghiệm và những gì chúng tôi đã làm là tiêm liều thứ 3 AstraZeneca cho một số ít người, trong hàng trăm người. Điều chúng tôi đang tìm kiếm là liệu phản ứng miễn dịch có được tăng cường hay không khi sử dụng kết hợp 2 loại vaccine khác nhau và dường như có kết quả khả quan sau mũi tiêm thứ 3. Mối quan tâm của tôi là tiêm đủ liều đầu tiên cho toàn thế giới trước khi chúng ta cân nhắc tiêm liều tăng cường. Chúng tôi có trách nhiệm phải đảm bảo thế giới được an toàn trước khi chúng tôi bắt đầu cung cấp vaccine tăng cường."

Theo bà Lambe, cơ thể đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ sau khi kết hợp tiêm loại vaccine khác ở mũi tiêm thứ 2. "Việc sử dụng tiêm vaccine kết hợp nên ưu tiên cho những người đã tiêm mũi đầu tiên. Sau đó, nếu họ muốn tiêm vaccine kết hợp thì tiêm ở mũi thứ hai (theo khung thời gian đã đưa ra)," bà nói. (Khung thời gian cho vaccine Pfizer là 3 tuần sau mũi đầu tiên, trong khi với vaccine AstraZeneca là từ 9-12 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên).

Bà Lambe cho biết: “Tôi đã tham gia vào một số nghiên cứu về việc sử dụng kết hợp vaccine và nhận thấy phản ứng miễn dịch có vẻ tốt.”

Tiến sỹ Zainal cho biết, cần phải có kế hoạch phù hợp từ chính phủ xem có nên cho phép triển khai mũi tiêm tăng cường để ngăn chặn biến thể đáng lo ngại của virus hay không.

“Thời điểm hiện tại nên ưu tiên cho việc đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu triển khai mũi tăng cường hoặc kết hợp vaccine vào lúc này sẽ khiến mọi người bối rối. Nếu chính phủ quyết định bắt đầu các chương trình như vậy, họ nên chuẩn bị và lập kế hoạch phù hợp để mua đủ vaccine để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.”

Bà Lambe khuyên người dân nên tin tưởng vào cơ quan quản lý và sử dụng bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 mà Chương trình tiêm chủng Quốc gia đã được phê duyệt.

"Đối với tôi, bạn cần phải nhìn vào dữ liệu hiệu quả trên thực tế của thế giới, tin tưởng vào cơ quan quản lý và tin tưởng vào Ủy ban giám sát an toàn... để đưa ra các khuyến nghị về loại vaccine tốt nhất cho người dân. Hãy tiêm vaccine mà bạn được cung cấp, hãy làm cho bản thân an toàn và làm cho thế giới an toàn,” bà nói./.

Tác giả: Hằng Linh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến