Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới với mức giảm từ 0,5%-1% trong quý 3, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều điều kiện thuận lợi?
Mặc dù lãi suất huy động và cho vay đã liên tục được điều chỉnh giảm từ đầu năm đến nay nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, hiện lãi suất vẫn cao đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đã có một số hỗ trợ về lãi suất lẫn tài chính, song vẫn chưa đủ để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện có một số điểm thuận lợi cho quyết định của Ngân hàng Nhà nước để có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành là lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiếm soát, tỷ giá tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Fed gần như đã kết thúc.
Nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 1% so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC nhận định vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 0,5%-1% trong quý 3, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.
"Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chúng tôi kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan toả tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay," nhóm phân tích nêu quan điểm.
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam cũng kỳ vọng trong 3 tháng tới sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành, với mức điều chỉnh giảm thêm 0,5%-1% cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng.
Theo phân tích của Kim Eng Việt Nam, tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay.
“Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong 3 tháng tới," chuyên gia Kim Eng Việt Nam nhận định.
Đồng tình với các quan điểm trên, Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng Việt Nam còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất.
"Thứ nhất, chúng ta không quá lo là lạm phát sẽ tăng cao vì sức cầu vẫn còn rất yếu. Thứ hai, trên thế giới, lạm phát đang giảm nhiệt tương đối tích cực và tỷ giá tương đối ổn định. Ngoài ra, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bớt đi khó khăn, thách thức của năm nay, rõ ràng bài toán về giảm lãi suất vừa là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vừa kích cầu tín dụng, kích thích đầu tư, tiêu dùng. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo được phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực hơn, tất nhiên là phải đồng bộ nhiều cái giải pháp khác. Tôi cho rằng khả năng giảm có thể ở mức khoảng 0,5%-1,5%," ông Lực nói.
Cần độ trễ để hạ lãi suất cho vay
Dù ngành ngân hàng đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và huy động từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng đã liên tục điều chỉnh các mức lãi suất của mình nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng hiện lãi suất vẫn còn cao và đều mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng, nếu không việc giảm lãi suất điều hành cũng không có nhiều ý nghĩa thực chất.
Sản xuất dệt may tại doanh nghiệp Tiên Sơn. (Ảnh: Vietnam+)
"Nếu điều hành được lãi suất cho vay giảm thì sẽ có tác động tích cực đến thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ sẽ giúp cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn, qua đó thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là yếu tố tác động làm tăng thu ngân sách nhà nước", ông Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đánh giá.
Theo chia sẻ, hiện nhiều doanh nghiệp đang phải trải qua những thách thức như chi phí sản xuất gia tăng, đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện tăng... Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn gắn với giảm lãi suất cho vay, tạo động lực tăng trưởng mới.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Cà Mau cho biết hiện nay doanh nghiệp đang vay hàng chục tỷ đồng tại 3 ngân hàng trên địa bàn. Mặc dù so với thời điểm 2-3 tháng trước, lãi suất cho vay hiện nay có giảm, song mức giảm chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. So với năm 2022, lãi suất cho vay hiện cao hơn 2%. Doanh nghiệp mong các ngân hàng sẽ nghiên cứu, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Dù vậy, theo các chuyên gia tài chính, lãi suất điều hành sau khi điều chỉnh giảm đang khá phù hợp với diễn biến lạm phát hiện nay và sức ép tỷ giá cũng không quá lớn, tuy nhiên vẫn cần độ trễ từ 1-2 tháng tới để các ngân hàng có thời gian huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp, khi đó lãi suất cho vay mới có thể xuống thấp hơn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng Hai và tháng Năm. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Được biết bên cạnh nhóm ngân hàng nhà nước Big4 thì nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3%-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu.
Phó Thống đốc cho biết thêm thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, từ đó có những giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy