Dòng sự kiện:
Chuyện lạ lùng: Mất đất sau 10 năm cắm bìa đỏ ở ngân hàng để vay tiền
01/06/2018 19:10:13
Một hộ dân ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) tá hỏa phát hiện ai đó tự ý bán mất gần 200m2 đất sau 10 năm cắm bìa đỏ ngân hàng để vay tiền.

Bỗng dưng mất đất 

Gia đình ông Quách Văn Du (thôn 5, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm 1998, do cần tiền để làm nhà, ông đã dùng trích lục đất mang tên ông có diện tích 2.623m2 để thế chấp vay tiền từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh huyện Như Thanh.

Đến năm 2011, ông Du mới trả hết nợ và rút bìa đỏ ra, lúc này ông mới tá hỏa phát hiện ai đó đã tự ý bán mất 182m2 đất ở từ diện tích đất của gia đình cho người khác. Điều đáng nói, trong suốt 13 năm thế chấp trích lục đất cho ngân hàng, gia đình ông không hề rút ra lần nào, ông cũng không được ủy quyền cho ai đi rút sổ đỏ để chuyển nhượng đất cho người khác.

Dù thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng, ai đó vẫn tự ý chuyển nhượng đất của ông Dân cho bà Luyện

Qua kiểm tra, tại trích lục có ghi vào năm 2003, ông Dân chuyển nhượng cho bà Dương Thị Luyện, cùng xã Xuân Du, 182m2 đất ở, tới nay bà Luyện đã làm được bìa đỏ mang tên bà trên phần diện tích này.

Bức xúc vì mất đất một cách vô lí, 7 năm qua, ông Dân đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương lẫn ngân hàng nhưng vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

“Từ khi cắm bìa đỏ ở ngân hàng, tôi chưa được rút ra lần nào, tôi không hiểu được ai đã rút ra để chuyển nhượng đất của tôi cho người khác và làm thế nào họ có thể dễ dàng rút ra mà gia đình tôi không hề biết, thật vô lí”, ông Dân thắc mắc.

Ông Dân khẳng định hồ sơ chuyển nhượng đất không phải ông làm

Được biết, người được chuyển nhượng phần đất này là bà Dương Thị Luyện (vợ ông Trần Văn Nhân, thời điểm bấy giờ là Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Du).

Sau nhiều lần ông Dân đi kiện thì gia đình ông Nhân, bà Luyện đề nghị hỗ trợ ông Dân số tiền 50 triệu đồng, tuy nhiên ông Dân không đồng ý.

Về phía ông Nhân thì lí giải rằng, diện tích đất mà vợ ông mua là do em rể của ông Dân đứng ra sang nhượng, và làm trích lục cho gia đình ông.

“Lúc đó, tôi nghe nói chú Dân đã ký sang nhượng rồi nên tôi mới mua. Còn việc chúng tôi hỗ trợ ông Dân 50 triệu đồng là do tình làng nghĩa xóm chứ không phải gia đình tôi sai. Nếu ông Dân không đi rút hoặc không ủy quyền cho người đi rút thì làm sao làm được trích lục đất cho gia đình tôi. Bản thân ông Dân nếu không làm việc đó, thì có quyền kiện ngân hàng”, ông Nhân nói.

Đáng nói, người em rể của ông Dân được cho là đứng ra chuyển nhượng phần đất này hiện đã chết.

Tại hồ sơ chuyển nhượng đất của ông Dân cho gia đình bà Luyện lưu tại Phòng TNMT huyện Như Thanh thể hiện, có đơn xin chuyển nhượng đất, tờ khai nộp thuế do ông Dân đứng tên ký. Tuy nhiên, chữ của 2 lá đơn đứng tên ông Dân lại không khớp với chữ của ông mà của người khác.

Những điều mâu thuẫn

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du xác nhận, ông Dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên xã, xã cũng nhiều lần mời các bên liên quan lên hòa giải nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Đây là việc vay mượn, thế chấp giữa ông Dân với ngân hàng chứ không thông qua xã nên chúng tôi cũng không nắm cụ thể vấn đề”, ông Sinh cho hay.

Nhiều người dân khẳng định, thời điểm năm 2000, họ không được vay ngân hàng nhưng vẫn có tên trong hồ sơ.

Liên quan đến vấn đề này, tại văn bản do ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa ký trả lời rằng:

Hồ sơ lưu tại ngân hàng thể hiện, ngày 9/9/2000, ông Dân vay Ngân hàng người nghèo huyện Như Thanh số tiền 2.500.000 đồng, hạn trả ngày 9/9/2003. Thời điểm này, khách hàng vay vốn tại ngân hàng người nghèo không phải thế chấp Quyền sử dụng đất tại ngân hàng .

Phía ngân hàng cũng cho rằng: “Thời điểm 18/10/2003, ông Dân vay Ngân hàng NN&PTNT Như Thanh số tiền 5000.000 đồng, hạn trả 18/10/2004. Ngày ông Dân phát sinh vay vốn ngân hàng sau ngày chuyển nhượng diện tích đất trên QSD đất của ông Dân (thời điểm chuyển nhượng là ngày 5/4/2003”.

Trái ngược với trả lời của ngân hàng, ông Dân khẳng định, không có lần nào vay ngân hàng số tiền 2.500.000 đồng.

Điều đáng nói, nhiều hộ dân có tên trong danh sách vay tiền của ngân hàng thời điểm năm 2000 đều quả quyết, họ không được vay số tiền đó.

Điển hình như ông Đinh Văn Huê, thôn 6, xã Xuân Du cho biết: “Ngân hàng ghi danh sách gia đình tôi vậy là không đúng, chưa khi nào tôi vay mức 3.500.000 đồng, hơn nữa mãi đến năm 2005, tôi mới vay tiền lần đầu, chứ không phải năm 2000 như trong hồ sơ, không hiểu sao ngân hàng lại có hồ sơ đó”.

Tương tự, nhiều người dân có tên trong danh sách này cũng cùng thắc mắc với hộ ông Huê và ông Dân.

Ông Hồ Công Thư, người đã nhiều năm làm công việc thu tiền lãi cho ngân hàng này cho biết, ông làm việc thu lãi từ năm 1983, cho đến nay chưa có thời điểm nào ngân hàng cho người dân vay tiền mà không cần thế chấp bìa đỏ.

“Không chỉ những năm 2000 mà trước đó nữa, người dân đã vay ngân hàng là phải thế chấp bằng bìa đỏ”, ông Thư khẳng định.

Lương Thị

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến