Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa phát đi thông điệp không nên vội vàng trong điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này, khi nhiều đồng tiền lớn biến động trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo theo không ít kiến nghị về việc phá giá tiền đồng Việt Nam (VND).
“Các ý kiến và kiến nghị về tăng tỷ giá VND/USD đều chỉ nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ như một sự kiện riêng biệt, trong khi ít nhiều còn thiếu thực tiễn về hoạt động thương mại cũng như thị trường ngoại hối”, Báo cáo phân tích kinh tế quý II/2018 của CIEM viết.
Phân tích chi tiết hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM), đơn vị thực hiện báo cáo này cho rằng, việc dựa hoàn toàn vào tỷ giá theo cách “phá giá” để ứng phó với những tác động bất lợi đối với thương mại là không phù hợp.
Ông Dương cho rằng, bất định đối với thương mại hiện nay xuất phát từ những vấn đề của kinh tế thực của Mỹ và Trung Quốc, nên khó có thể xử lý trong ngắn hạn.
“Chúng ta không thể sử dụng các giải pháp tiền tệ để xử lý các vấn đề của nền kinh tế thực bởi sẽ khó có hiệu quả bền vững, mà cần những giải pháp thực từ phía cung”, ông Dương nói.
Cũng cần lưu ý tỷ giá, trong hầu hết trường hợp đều thay đổi quá mức cần thiết trước khi điều chỉnh trở lại. Chính vì vậy, việc có các điều chỉnh chạy theo diễn biến nhân dân tệ có thể làm tăng độ bất định đối với điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá.
Trước bối cảnh ấy, các nhà đầu tư cũng thường phản ứng quá mức và các tài sản USD được coi là có độ an toàn cao nhất, nên càng gây thêm áp lực mất giá đối với VND.
“Ở Việt Nam, các đề xuất về tỷ giá không thể không tính tới yếu tố tâm lý nhà đầu tư”, ông Dương nói.
Tính chung trong quý II/2018, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng 0,85% so với cuối quý I và tăng hơn 1% so với cuối năm 2017.
Mức tăng tỷ giá trung tâm trong tháng 4 và 5 cao hơn so với tháng 6, trong khi tháng 6 lại chứng kiến tỷ giá biến động nhiều nhất. Bắt đầu từ cuối tháng 5, chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá của ngân hàng thương mại tăng gần như liên tục, thậm chí có thời điểm đạt tới 210 đồng.
Trong khi đó, chênh lệch giữa tỷ giá ngân hàng thương mại và tỷ giá trung tâm ở mức khá thấp và còn cách xa mức trần 3%, dù giữ xu hướng tăng trong tháng 5 - 6.
Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá trung tâm đã tạo thêm độ linh hoạt cho diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối.
Lý thuyết không phải lúc nào cũng đúng
Điều chỉnh tỷ giá để làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu là lý thuyết hay được nhắc tới. Nhưng các chuyên gia kinh tế luôn có góc nhìn thực tế khi đặt lý thuyết này vào bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam.
Các nghiên cứu của ông Trương Đình Tuyển và cộng sự (2011), các ông Võ Trí Thành và Nguyễn Anh Dương (2015) cùng chia sẻ quan điểm rằng, điều chỉnh tỷ giá chỉ có thể giúp tăng xuất khẩu nếu vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.
“Nhưng đây lại là thách thức khá lớn đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thừa nhận.
Từ năm 1994, Trung Quốc đã khá thành công trong việc giữ cho hàng hóa cạnh tranh.
Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Trung Quốc tăng hơn 101,4% trong giai đoạn từ 1994 đến tháng 7/2015, cho thấy hàng Trung Quốc rẻ đi so với hàng hóa thế giới, dù nhân dân tệ lên giá 42,2% so với USD trong cùng giai đoạn.
Trong khi đó, VND mất giá 49,9% so với USD trong cùng giai đoạn, nhưng hàng Việt Nam lại lên giá hơn 27% so với hàng hóa thế giới (theo REER).
Vào thời điểm này, do hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nên việc nhân dân tệ mất giá cũng làm đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn (khi quy ra VND).
Do chi phí đầu vào (từ nhập khẩu) giảm, hàng Việt Nam có thể không kém cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường thứ ba.
Nhưng giá cả không ít mặt hàng trên thế giới đang có xu hướng tăng. Nếu phá giá VND, dù chỉ ở mức 2 - 3%, thì Việt Nam có thể gặp phải tình trạng “nhập khẩu lạm phát”, song song với rủi ro suy giảm kinh tế - điều đã gặp phải trong giai đoạn 2008 - 2009.
“Ở Việt Nam, điều chỉnh tỷ giá luôn nhạy cảm, tác động tâm lý mạnh, thường gây nên ứng xử quá mức của người dân, các nhân tố thị trường, nên chuyển vào lạm phát rất nhanh.
Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá. Truyền thông về các đánh giá, kiến nghị liên quan đến chính sách tỷ giá cần được thực hiện rõ ràng, trung tính hơn, tránh đề ra các mục tiêu ‘cứng’ đối với công tác điều hành tỷ giá”, ông Cung đề xuất.
"Chúng ta không thể sử dụng các giải pháp tiền tệ để xử lý các vấn đề của nền kinh tế thực bởi sẽ khó có hiệu quả bền vững, mà cần những giải pháp thực từ phía cung". |
Theo Báo đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy