Dòng sự kiện:
Có bao nhiêu cặp sở hữu chéo trong ngân hàng
19/11/2017 19:50:55
Thời điểm hiện tại chỉ còn 2 cặp sở hữu chéo đó là ngân hàng Eximbank và Kienlongbank.

Tin tức báo Tiền Phong đăng tải, vấn đề sở hữu chéo từ khi được phát hiện luôn là vấn đề nan giải của NHNN. Sở hữu chéo không những làm hạn chế hiệu quả của các chính sách điều hành mà còn gây ra rủi ro cục bộ cho hệ thống ngân hàng cũng như phát sinh những đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực và sự ảnh hưởng trong hoạt động của tổ chức.

Ảnh minh họa.

Một lãnh đạo cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết: hiện có mấy cái tên liên quan đến hai cặp sở hữu chéo này đều rơi vào khối ngân hàng cổ phần phía Nam. Trong đó, điển hình có 1 cặp sở hữu chéo là Eximbank do liên quan đến khoản nợ của ông Trầm Bê và 1 cặp có liên quan đến ngân hàng KienLongBank.

Được biết, hiện Eximbank đang sở hữu hơn 165 triệu cổ phần STB, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank. (Thông tin về sở hữu chéo này Tiền Phong từng có lần đề cập liên quan thâu tóm cổ phiếu NH và lợi ích nhóm giai đoạn trước - PV). “Trong năm 2017, Eximbank đã lên kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trên. Tuy nhiên, do đang vướng mắc một số vấn đề về tính pháp lý nên thủ tục phải kéo dài hơn. Dự kiến từ nay đến sang năm, NHNN sẽ xử lý cho bằng xong vấn đề sở hữu chéo tại các nhà băng này”, vị lãnh đạo NHNN trên nói.

Đầu năm 2017, sở hữu chéo giữa các ngân hàng vẫn là vấn đề chằng chịt. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn vài trường hợp như VietinBank thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn. Còn tới đây, trên thị trường chứng khoán, Vietcombank sẽ tiến hành thoái hết vốn tại SaigonBank và Cty Tài chính Xi măng.

Trước đó, ngày 17/11,, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và xử lý các ngân hàng yếu kém, sở hữu chéo, nợ xấu trong hệ thống.

Về sở hữu chéo, theo Thống đốc, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo và giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập… đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn. Tình trạng sở hữu chéo, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh.

Đến nay không còn cá nhân sở hữu 5% trở lên vốn ở ngân hàng. Số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng sở hữu hơn 15% nay chỉ còn 4 trường hợp, so với 19 tổ chức vào năm 2012.

Nhưng, Thống đốc nói thêm rằng, sở hữu chéo khó xử lý với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ, việc này rất tinh vi và sai phạm nên thanh tra phải kỹ lưỡng, hoặc qua thanh tra mới phát hiện ra.

Nguyên nhân của tình trạng xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm là do thoái vốn của cổ đông chậm bởi chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn...

"Để khắc phục sở hữu chéo, tại luật TCTD sửa đổi đang trình Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi đã có quy định kỹ lưỡng về cổ đông lớn và người liên quan để xác định cổ đông thực, rồi chặt chẽ quy định về chức danh chủ tịch HĐQT, HĐ thành viên và Ban điều hành; các quy định về giới hạn sở hữu để đại chúng hóa hoạt động của ngân hàng; các quy định về góp vốn cũng rõ ràng hơn.... Nếu được quốc hội thông qua thì việc xử lý sở hữu chéo sẽ được xử lý triệt để hơn, minh bạch hơn".

Ngoài ra, để giải quyết tình trạng này, chúng tôi cũng thanh tra các hoạt động của tổ chức tín dụng, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về sở hữu cổ phần cổ phiếu, chỉ đạo các TCTD phải xây dựng cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong đó có lộ trình xử lý các vi phạm về sở hữu.

Xuân Tùng (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến