Chiều 29/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu đều cho rằng, cần phải cơ cấu lại không gian kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch Covid-19 do đó phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, sau dịch COVID-19, hiện các nước cũng đang tái thiết để tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nên các nước đều hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh. Trong năm 2020-2021 sẽ có khoảng 20.000 tỷ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi. Tại Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi và tính toán quy mô đủ lớn để phục hồi bền vững.
Là người thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bà Yến lưu ý cần xác định đa mục tiêu để bảo đảm tiếp cận bao trùm bền vững, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu trung tâm để xây dựng thể chế phát triển kinh tế.
“Hiện chúng ta phân ra là công nghiệp, dịch vụ, và nông nghiệp nhưng cần quan tâm tới vấn đề y tế và giáo dục và coi như là “dịch vụ”. Theo đó, y tế cần hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe. Từ đó có định hướng để nhà nước sử dụng gói đầu tư công để phát triển y tế dự phòng, y tế số để đóng góp cho tăng trưởng GDP. Còn giáo dục cần nâng cao kỹ năng của người lao động, đào tạo lại, nhất là các nguồn lực kinh tế cần ưu tiên, nâng cao năng lực kỹ năng số để phục vụ nền kinh tế. Ngay học sinh cấp 2, cấp 3 có thể đưa ra sáng kiến trong học tập, tiêu dùng, sản xuất để hướng tới nền kinh tế bền vững, việc làm xanh, kỹ năng xanh để đóng góp cho phát triển nền kinh tế xanh”- bà Yến bày tỏ.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Về mục tiêu thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc này sẽ tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.
Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 29/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, nhất là giai đoạn đầu của kế hoạch 2021-2025, vấn đề phục hồi nền kinh tế sau COVID-19 là rất quan trọng, bởi thiệt hại của doanh nghiệp, thị trường doanh nghiệp, các thành phần kinh tế quá lớn, từ đó việc làm thu nhập của người dân bị hạn chế. Chủ trương của Chính phủ, của Đảng và Nhà nước chúng ta đối với việc phục hồi hệ thống sản xuất từ doanh nghiệp, hợp tác xã kinh tế tư nhân rất quan trọng. Từ đó chúng ta giải quyết việc làm, giải quyết thu nhập của người lao động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tháo luận tổ.
“Chúng ta còn một thị trường rất lớn không chỉ 100 triệu dân trong nước mà còn thị trường xuất khẩu rất lớn với những hiệp định thương mại lớn mà chúng ta đã ký”- Chủ tịch nước cho biết.
Theo Chủ tịch nước, trước hết, nông nghiệp Việt Nam cần được tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển nông nghiệp, một trụ đỡ quan trọng trong phát triển, giải quyết đời sống của người dân.
“Từ giống cho đến giải quyết hiệu quả sản xuất, xây dựng HTX dịch vụ nông nghiệp đến kinh tế nông thôn, công nghiệp chế biến nông thôn, hạ tầng nông thôn... cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương. Chúng ta nói công nghiệp hóa hiện đại hóa đúng hướng bao gồm công nghiệp và dịch vụ nhưng nông nghiệp, nông thôn vẫn là mũi nhọn quan trọng, bởi còn trên 50%, 60% dân số sống ở nông thôn”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế tư nhân cũng là vấn đề quan trọng. Theo Chủ tịch nước, thời gian tới, GDP phấn đấu kinh tế tư nhân chiếm 55 % trong tổng cơ cấu, vì vậy phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ thành phần kinh tế, kể cả những tập đoàn lớn, các loại hình tư nhân phát triển, tạo nên một thể chế pháp luật tốt nhất, môi trường pháp lý tốt cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài, ổn định ở Việt Nam.
“Vừa qua, trong dịch bệnh, tất nhiên Nhà nước phải lo rất nhiều nhưng nhiều tư nhân, nhiều doanh nghiệp bỏ ra biết bao nhiêu nghìn tỷ để ủng hộ chống dịch, vì vậy cần biểu dương tinh thần này, từ đó tạo điều kiện phát triển tốt”- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Về phát triển kinh tế đô thị, Chủ tịch nước cũng cho rằng, chúng ta đang có quy mô đô thị, siêu đô thị lớn nhưng phát triển còn chậm, chưa đạt yêu cầu từ công tác quy hoạch, quản lý đến những loại hình đô thị phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Vì vậy Chủ tịch nước cho rằng thời gian tới cần chú ý hơn về vấn đề này. Bởi đối với các nước trên thế giới, phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung.../.