Dòng sự kiện:
Cổ đông chiến lược thoái thêm 10% vốn VIB, thu hơn 5.300 tỷ đồng
30/10/2024 06:03:05
Cổ đông chiến lược CBA xác nhận đã bán ra 300 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 29/10, thu về hơn 5.300 tỷ đồng.

Cổ đông chiến lược CBA vừa tiếp tục thoái lượng lớn vốn tại VIB. Ảnh: VIB.

Trong phiên giao dịch ngày 29/10, nhà đầu tư nước ngoài đã bán thỏa thuận 300 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB). Số lượng cổ phiếu VIB được bán ra tương đương hơn 10% vốn điều lệ của nhà băng này.

Cũng trong phiên 29/10, khối lượng mua vào của khối ngoại bằng 0, vì vậy toàn bộ số cổ phiếu này đã được sang tay cho nhà đầu tư trong nước.

Cùng ngày, Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thông báo đã bán khoảng 10% cổ phần của VIB thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Giao dịch được thực hiện vào ngày 29/10 và dự kiến ​​thanh toán vào ngày 31/10, thu về khoảng 320 triệu AUD (tương đương 5.314 tỷ đồng).

"Việc thoái vốn phù hợp với chiến lược của CBA là tập trung vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng tại Australia và New Zealand. Sau khi hoàn tất giao dịch, CBA còn nắm khoảng 5% cổ phần tại VIB", CBA cho biết trong thông báo.

Chốt phiên 29/10, thị giá của VIB là 18.750 đồng/cổ phiếu, tăng gần 3% so với phiên liền trước. Ước tính giá cổ phiếu VIB được khối ngoại bán thỏa thuận ở mức 17.713 đồng/cổ phiếu, tức rẻ hơn gần 6% so với giá thị trường.

Hồi tháng 9, nhà đầu tư ngoại này cũng đã bán thỏa thuận 148 triệu cổ phiếu VIB, tương đương gần 5% vốn điều lệ ngân hàng để thu về 2.750 tỷ đồng.

CBA liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB trong bối cảnh từ đầu tháng 7, nhà băng này đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 4,99% (gần 149 triệu cổ phiếu). Trước đó, room ngoại được ngân hàng giới hạn ở mức 20,5% (tức 611 triệu cổ phiếu) và gần như luôn trong tình trạng kín room.

Thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi VIB đã phần nào được hé lộ trong những kỳ Đại hội đồng cổ đông những năm gần đây. Vào năm 2019, CBA có động thái rút khỏi HĐQT của VIB. Mặc dù khẳng định chưa rời bỏ VIB, đại diện CBA khi đó cho biết "đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu".

Ban lãnh đạo cho biết VIB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đối tác chiến lược của VIB được cho là có thể bị ảnh hưởng sau quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Về kết quả kinh doanh, số liệu từ báo cáo tài chính quý III cho thấy đây là một trong những ngân hàng bán lẻ có tăng trưởng tín dụng tốt nhất ngành, đạt hơn 298.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 9.

Dù vậy, lợi nhuận trước thuế của VIB trong quý III ở mức 1.995 tỷ đồng, đi lùi 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc 9 tháng đầu năm, ngân hàng báo lãi trước thuế 6.600 tỷ đồng, giảm 21%.

Nhà băng này lý giải lợi nhuận suy giảm do hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, cũng như các hoạt động đầu tư mở rộng và trích lập dự phòng thận trọng.

Thực tế, chi phí hoạt động của nhà băng này trong 9 tháng đầu năm tăng 13% so với cùng kỳ, đến từ các hoạt động đầu tư vào con người, mở mới chi nhánh, đầu tư công nghệ, ngân hàng số và marketing.

Năm 2024, VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng. Sau 9 tháng hoạt động, nhà băng này hiện mới chỉ thực hiện được khoảng 55% mục tiêu.

Tổng tài sản của VIB đến cuối tháng 9 đạt hơn 445.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng gần 12%, huy động vốn của ngân hàng tăng 8%, đều cao hơn mức trung bình của ngành. Tỷ lệ nợ xấu của VIB vào cuối quý III duy trì ở mức 2,67%.

Tác giả: Hồng Nhung

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến