Dòng sự kiện:
Cổ đông mới và quyền tham gia quản lý công ty
07/04/2018 14:00:14
Vừa qua, nhà đầu tư Thai Beverage Public (ThaiBev) đã kiến nghị với Chính phủ Việt Nam về việc ThaiBev chưa được trực tiếp tham gia hội đồng quản trị (HĐQT) và điều hành Sabeco.

Nguyên nhân của việc này là ThaiBev chưa sở hữu liên tục 10% cổ phần từ sáu tháng trở lên theo quy định tại điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014. Có ý kiến cho rằng, quy định này của Luật Doanh nghiệp 2014 là một hạn chế, bất cập. Bỏ qua những quy định riêng tại điều lệ hay văn bản pháp lý khác của một doanh nghiệp cụ thể, bài viết này chỉ nhằm trao đổi về quy định giới hạn quyền của cổ đông phổ thông này trong hệ thống các quy định pháp luật về hoạt động doanh nghiệp.

Bảo đảm tính ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty mới có quyền đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát, kiểm tra thông tin của doanh nghiệp, triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường và một số quyền khác. Quy định này có từ Luật Doanh nghiệp 1999 (điều 53) và Luật Doanh nghiệp 2005 (điều 79) mà chưa bị xem xét sửa đổi qua hai lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Như vậy, đây không phải là một quy định mới gây ngỡ ngàng cho những nhà đầu tư trên thị trường.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét một cách công bằng là quy định này nhằm tạo ra một số quyền đặc biệt mà các cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông khác không có. Các quyền đặc biệt này đòi hỏi cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần khi muốn tham gia quản trị doanh nghiệp phải có một khoảng thời gian tối thiểu để hiểu được cách thức hoạt động, vận hành công ty cũng như mục tiêu phát triển, văn hóa và các đặc điểm khác của doanh nghiệp được đầu tư trước khi trực tiếp tham gia vào việc quản lý, điều hành. Quy định này nhằm tránh dẫn đến những thay đổi mang tính đột ngột ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Nếu là những doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn thì lúc đó các phương thức về kiểm soát tình trạng vận hành của doanh nghiệp sẽ theo quy định của Luật Phá sản.

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần trở lên dù chưa có các quyền tham gia điều hành trực tiếp doanh nghiệp như đã nêu nhưng vẫn có quyền khác theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp áp dụng đối với cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông. Sau sáu tháng kể từ thời điểm hoàn tất giao dịch mua bán cổ phần, cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần trở lên sẽ không còn bị hạn chế trong việc thực hiện quyền đề cử thành viên HĐQT và một số quyền khác.

Chưa bảo đảm khả năng thu hút đầu tư và bình đẳng giữa các cổ đông

Nhưng xét ở góc độ thu hút đầu tư vào doanh nghiệp, quy định tại khoản 2 điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 chưa tạo điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm trong việc đầu tư vốn vào các công ty cổ phần với tỷ lệ nắm giữ cao (từ 10% trở lên) mà trường hợp của ThaiBev với Sabeco là một ví dụ điển hình. Quy định này cũng chưa bảo đảm tính bình đẳng giữa các cổ đông nắm giữ cổ phần cùng loại. Theo phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tại Nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp G20 (2015), yếu tố cốt lõi để phát triển thị trường vốn là niềm tin của nhà đầu tư đối với nguồn vốn của họ được bảo vệ khỏi những lạm dụng từ bộ máy quản trị của doanh nghiệp. Nếu không được bảo đảm quyền được đề cử người vào trong bộ máy quản trị doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể lo lắng tới những hành vi gây nên tổn thất cho nguồn vốn mà họ vừa mới đầu tư vào doanh nghiệp.

Giải pháp nào có tính khả thi?

Liệu có cần thiết phải sửa đổi quy định tại khoản 2 điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 để giải quyết những trường hợp tương tự như ThaiBev và Sabeco? Đây là vấn đề cân nhắc giữa hai góc độ được phân tích ở trên cùng với các yếu tố khác mà Luật Doanh nghiệp cần điều chỉnh trong tương lai.

Xét trên nguyên tắc công bằng trước pháp luật, tất cả nhà đầu tư đều phải tôn trọng quy định này khi tham gia hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, quy định này hiện hữu từ khá lâu trong hệ thống pháp luật Việt Nam và còn được cá thể hóa tại điều lệ khá nhiều doanh nghiệp, trong đó có Sabeco. Khi đầu tư vốn, ThaiBev đã cam kết “tự tìm hiểu đầy đủ thông tin về Sabeco, bao gồm nhưng không giới hạn bởi Điều lệ doanh nghiệp, báo cáo tài chính...” như nêu tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại Sabeco.

Tuy nhiên, việc ThaiBev đề nghị Bộ Công Thương với tư cách là một cổ đông hiện hữu vừa bán cổ phần cho họ về việc đề cử người của họ vào bộ máy quản trị của Sabeco cũng không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Bộ Công Thương cần phải xử lý đúng vai trò của mình trong tình huống này để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cũng như tính thượng tôn pháp luật.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến