Cổ đông SHB đồng ý se duyên với “gái đẹp” VVF
26/10/2015 15:35:24
ANTT.VN – “VVF là một cô gái đẹp, mà nhiều chàng trai trong nước muốn nhảy vào cưa cẩm. Chúng tôi đã phải rất quyết liệt, quyết tâm và tích cực mới có thể đạt được kết quả này”.

Tin liên quan

 

Đó là lời khẳng định của chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) – ông Đỗ Quang Hiển khi nói về thương vụ sáp nhập công ty Tài chính CP Vinaconex – Viettel (VVF) vào SHB hôm 24/10 vừa qua.

“Sau khi loại các chàng trai trong nước, đến lượt các chàng trai nước ngoài cũng vào gạ gẫm, mà trai nước ngoài thì thường cao to đẹp trai hơn”, ông Hiển hài hước ví von thêm.

“Trai nội cưa cẩm, trai ngoại nhòm ngó”

Mới đây, SHB đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường năm 2015 với sự tham dự của  459 cổ đông sở hữu 608.421.239 cổ phiếu chiếm 64,17% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua Đề án Sáp nhập VVF vào SHB.

Đại hội cổ đông bất thường 2015 ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho biết, theo chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, SHB đã nhận sáp nhập ngân hàng Habubank và nay tiếp tục nhận thêm VVF. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng mua bán, sáp nhập các tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty tài chính có quy mô nhỏ hơn, hoặc hoạt động yếu kém…

Chia sẻ về quá trình nhận sáp nhập VVF, chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho rằng, dù VVF từng có tỷ lệ nợ xấu rất lớn (năm 2014: nợ xấu chiếm 70,12% dư nợ và đến 30/6/2015, tỷ lệ giảm còn 35,25%) nhưng xét về số tương đối, nợ xấu hiện chỉ còn 57 tỷ đồng trên tổng dư nợ 162 tỷ đồng.

Thời điểm đầu năm 2015, khi tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc về sáp nhập, phía SHB đã yêu cầu VVF dừng tất cả hoạt động cho vay, không phát sinh nợ mới, tập trung xử lý thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản…

Đến thời điểm này, sau khi VVF đã được làm “sạch”, thì theo ông Hiển đã có một số nhà đầu tư nước ngoài muốn “kết duyên” với VVF. Song, “chúng tôi quyết định phải tái cơ cấu VVF ổn định đã rồi mới tính các hướng đi khác”.

Với tỷ lệ biểu quyết trên 93% thông qua đề án, phương án sáp nhập, SHB sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu tương ứng 1.000 tỷ đồng để thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của VVF theo tỷ lệ 1:1 (1 cổ phiếu VVF đổi lấy 1 cổ phiếu SHB, mệnh giá 10.000 đồng/CP).

Nhờ đó, SHB sẽ có vốn điều lệ 10.486 tỷ đồng và một cổ đông lớn duy nhất là CTCP Tập đoàn T&T.

Ngay sau khi giao dịch sáp nhập hoàn tất, SHB xin lập công ty tài chính tiêu dùng SHB (SHB Finance), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, SHB đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Bộ Tài chính miễn 100% thuế thu nhập trong 3 năm từ 2013 đến 2015 theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập HBB (Habubank) vào SHB; miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm 2016 và 2017 (trong đó 50% thuế được miễn theo kiến nghị trong Đề án sáp nhập HBB vào SHB, 50% thuế được miễn sau khi nhận sáp nhập VVF)...

Đồng thời, SHB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép SHB phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành trước năm 2015 trong 10 năm theo khả năng tài chính của Ngân hàng kể từ ngày phát hành trái phiếu; phân bổ dự phòng phải trích cho trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở đi trong vòng 10 năm theo khả năng tài chính của SHB kể từ ngày phát hành trái phiếu; Ngân hàng Nhà nước không cộng nợ xấu từ cho vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu VVF khi thực hiện công tác xếp hạng TCTD hoặc khi tính các điều kiện xin cấp phép khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Gánh nặng tiếp theo sau Habubank?

Một số cổ đông tham dự cuộc họp bày tỏ lo ngại, “sáp nhập với 1 cô gái đẹp nhiều người muốn ngỏ lời, là điều tuyệt vời nhưng với góc độ cổ đông lợi nhuận VVF là bức tranh đi xuống rất thảm khốc từ năm 2011 đến nay liên tục giảm và 2014 âm 12,1 tỷ đồng, là hình cầu vồng đi xuống dài hạn. Cô gái này đẹp nhưng nhan sắc xuống nhanh quá. Mô hình chuyển đổi là 1:1, tổng tài sản của VVF là 1000 tỷ đồng là nhỏ nhưng với cổ đông là 1 biển lớn, nếu tính USD cũng không nhỏ. Nếu chuyển đổi giá trị sổ sách có cụ thể không?”.

Chủ tịch Đỗ Quang Hiển phân tích, VVF có tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng nên khi sáp nhập vào “chàng khổng lồ” SHB với tổng tài sản hơn 183.000 tỷ đồng thì “không nhằm nhò” gì. Tỷ lệ nợ xấu của VVF vài chục phần trăm nhưng số tuyệt đối lại rất nhỏ chỉ 65 tỷ đồng… nên không đáng ngại.

Bên cạnh đó, “tỷ lệ 1:1 đánh giá trên vốn điều lệ và giá trị sổ sách. Lợi nhuận VVF đi xuống, âm 12,1 đến tháng 9/2015 lãi 15 tỷ đồng. Họ lỗ 12 tỷ tôi thấy còn là mừng. Nợ xấu của họ là 62 tỷ đồng mà trích lập 58 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng nguyên tắc, SHB yêu cầu VVF 1 năm nay dừng giải ngân mà xử lý nợ, chính vì thế lợi nhuận từ tín dụng không có cộng với trích lập thì lợi nhuận đi xuống”.

“Theo tôi quan sát, doanh thu của Công ty tài chính sau sáp nhập với ngân hàng sẽ tăng mạnh mà chỉ có công ty tài chính mới có lợi thế cho vay tiêu dùng” – ông Hiển trấn an cổ đông.

Trong đề án sáp nhập, SHB đã dự kiến kế hoạch tài chính hợp nhất trong giai đoạn 2015-2017, tổng tài sản tăng từ 200.000 tỷ đồng năm 2015 lên 268.958 tỷ đồng vào năm 2017. Dư nợ cho vay trong 3 năm tới lần lượt là 126.558 tỷ đồng, 152.706 tỷ đồng và 185.166 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2015–2017 lần lượt là 1.120 tỷ đồng, 1.391 tỷ đồng và 1.596 tỷ đồng. ROA duy trì ở mức 0,61-0,64%, ROE ở mức 10,12-11,84%.

Mặc dù không công bố nợ xấu dự kiến, nhưng SHB cho biết, chi phí dự phòng có xu hướng tăng mạnh, từ mức 709 tỷ đồng (năm 2015) lên 1.037 tỷ đồng (năm 2016) và đạt 1.272 tỷ đồng (năm 2017).

Hiểu Minh

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến