Dòng sự kiện:
Có hay không fintech 'lỗ để lớn'
22/11/2018 08:12:03
Nối tiếp các đại gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, thời gian gần đây một số ví điện tử đã bắt đầu gia nhập danh sách các thương hiệu càng lỗ thì càng lớn”.

Sống bằng tiền của nhà đầu tư

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần M_Service - đơn vị chủ quản của ví điện tử MoMo, mặc dù hiện nay, MoMo là thương hiệu khá nổi bật trong danh sách các ví điện tử có lượng người dùng lớn nhất tại Việt Nam, tuy nhiên từ khi bước chân vào thị trường trung gian thanh toán đến nay, M_ Service chưa hề thu được lợi nhuận từ thương hiệu này.

Giá trị thương hiệu các ví điện tử sẽ tăng mạnh khi nhận đầu tư từ các tập đoàn lớn

Việc phải chi ra nhiều tiền để phát triển thị phần khiến cho MoMo càng mở rộng địa bàn thì càng thua lỗ. Cụ thể, năm 2014, số lỗ của MoMo chỉ ở mức 43 tỷ đồng. Đến năm 2016 mức lỗ tăng lên 147 tỷ đồng và năm 2017 đơn vị lỗ tiếp 243 tỷ đồng nữa. Nếu tính tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2017, con số lỗ của MoMo đã đạt khoảng 566 tỷ đồng, gần bằng mức lỗ 600 tỷ đồng của trang thương mại điện tử Tiki và 750 tỷ đồng của trang thương mại Shopee.

Việc ví điện tử MoMo gia nhập vào nhóm doanh nghiệp “càng lỗ càng lớn” cho thấy chiến lược sẵn sàng “đốt tiền” để mở rộng thị phần xảy ra phổ biến ở các đại gia thương mại điện tử như Lazada, Shoppe, Tiki, Sendo… nay đã bắt đầu lan sang lĩnh vực thanh toán và công nghệ tài chính (fintech).

Thực tế trên thị trường hiện nay hầu hết các ví điện tử tại Việt Nam đều đang miễn phí các loại dịch vụ chuyển tiền và thanh toán. Vì thế chưa có nhiều nguồn thu phí từ khách hàng và họ được các nhà thương mại chia sẻ lại lợi ích như một chi phí để kích doanh số bán hàng. Thế nhưng, lợi nhuận thu được từ chiết khấu của các đối tác bán sản phẩm dịch vụ cũng không bù đắp nổi chi phí quảng cáo, khuyến mại và ưu đãi thu hút khách hàng mới. Vì vậy đa số các ví điện tử như MoMo, BankPlus, Moca, Ví Việt… “sống được” trong giai đoạn này đều dựa vào nguồn vốn từ các nhà đầu tư là các quỹ tài chính, quỹ mạo hiểm (chủ yếu đến từ nước ngoài).

Chẳng hạn, MoMo phát triển mạnh được chủ yếu là do phần đóng góp 64% vốn của 2 quỹ Goldman Sachs và Stanrdard Chartered Private Equity; VNPT Epay duy trì được thị phần là nhờ 62% vốn của ví điện tử này đến từ quỹ UTC Investment (Hàn Quốc) và ví điện tử Ngân Lượng giữ được người dùng nhờ hầu hết nguồn tiền để phát triển thị trường đến từ một quỹ mạo hiểm tại Singapore là Softpay Mobile…

Rừng mơ… vẫn ở trước mặt

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, với tốc độ phát triển khá mạnh của lĩnh vực công nghệ tài chính và trung gian thanh toán, đến thời điểm hiện nay đã có vài chục nhà đầu tư lớn từ các thị trường quốc tế chấp nhận bỏ vốn vào lĩnh vực ví điện tử để phát triển các thương hiệu ví gắn liền với hoạt động thương mại điện tử và các mô hình kinh tế chia sẻ.

Thời gian vừa qua, nối tiếp các đợt đầu tư của TrueMoney vào ví điện tử 1Pay, MOL Accessportal vào ví Ngân Lượng, NTT Data vào ví Payoo, Tập đoàn Grab đã chính thức mua lại ví điện tử Moca, trong khi đó các nhà đầu tư lớn như Ganymede Holdings B.V; Ganymede Holdings cũng đã chen chân vào MoMo để tung tiền chịu lỗ chờ thời cơ phát triển.

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc hãng kiểm toán PwC, trong vòng khoảng 2-3 năm tới đây, khi thị trường có khoảng 75% nhà bán lẻ, bệnh viện và các đối tác có liên quan chấp nhận sử dụng các ví điện tử để thanh toán thì tỷ lệ người dùng ví điện tử sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại. Chính vì vậy, giá trị thương hiệu cũng như giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp sở hữu ví điện tử tại Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo PwC, việc các doanh nghiệp “càng lỗ nhiều lại càng được định giá cao” đã từng xảy ra phổ biến ở nhóm các công ty chuyên về thương mại điện tử. Chẳng hạn trang thương mại Foody là một mô hình khởi nghiệp về tìm kiếm địa điểm, đã được các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ và Singapore rót vốn 4 lần. Cuối năm 2014, công ty này có khoản thặng dư 36 tỷ đồng, gấp 9 lần số vốn điều lệ. Hoặc trang thương mại điện tử Vật Giá, lúc khởi nghiệp chỉ có vốn điều lệ 11 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần nhận được đầu tư từ các quỹ ngoại, nguồn thặng dư của Vật Giá đã lên tới 215 tỷ đồng.

PwC cho rằng các khoản thặng dư vốn cổ phần của doanh nghiệp nhận đầu tư về lý thuyết phản ánh mức độ chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phần. Chênh lệch càng lớn thì giá phát hành càng cao. Chính vì vậy, để có được những nguồn thặng dư lớn như vậy rất có thể các trang thương mại như Foody và Vật Giá đã từng phát hành cổ phiếu có giá trị lên tới cả triệu đồng/cổ phiếu. Và điều này hoàn toàn có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp fintech đang sở hữu các thương hiệu ví điện tử. Bởi dư địa để phát triển lĩnh vực trung gian thanh toán còn quá lớn ở các thị trường tài chính mới nổi, đồng thời các thị trường nội địa liên tiếp có sự gia nhập của các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh, có hệ sinh thái bán chéo sản phẩm với mức độ tăng trưởng ổn định về cả doanh thu và lợi nhuận.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến