Dòng sự kiện:
Có hay không việc tiếp tay cho 33 doanh nghiệp dùng giấy phép giả xuất khẩu?
08/07/2020 11:09:23
Việc giả xuất xứ hàng hóa Việt đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó đáng chú ý là có sự tiếp tay của các doanh nghiệp giám định thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O.

Gian lận C/O, "đội lốt" hàng Việt

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết, CTCP Giám định Đại Minh Việt không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện cấp Giấy chứng nhận này cho nhiều doanh nghiệp.

Theo đó, CTCP Giám định Đại Minh Việt có trụ sở chính tại Quận 9, TP HCM. Đơn vị này thông qua các công ty môi giới hoặc chính các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, đã tự thiết kế mẫu C/O. Sau đó điền thông tin về các lô hàng xuất khẩu để phát hành giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O. Công ty này thu từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/1 C/O phát hành. Tổng số tiền thu lợi bất chính bước đầu xác định khoảng trên 300 triệu đồng.

Cụ thể từ đầu năm 2018 đến nay, công ty này đã cấp C/O cho khoảng 33 doanh nghiệp. Hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau như: thép, nông sản, thủy sản, đồ gỗ,… Sản lượng hàng hóa được công ty xuất khẩu cho các đối tác ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, có trị giá trên 600 tỷ đồng.

Trong số các doanh nghiệp liên hệ để CTCP Giám định Đại Minh Việt cấp C/O có một doanh nghiệp được cấp 102 C/O, sử dụng cho 196 lô hàng xuất khẩu, tổng trị giá trên 161 tỷ đồng.

Ngoài ra, 32 doanh nghiệp còn lại được cấp 290 C/O sử dụng cho 385 tờ khai xuất khẩu. Hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau (26 loại) như: thép, nông sản, thủy sản, đồ gỗ, than củi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đồ gia dụng … với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu tạm tính là 444,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 33 doanh nghiệp mà Đại Minh Việt cấp C/O đều là những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện từ ngước ngoài về gia công, lắp ráp, không đủ tiêu chuẩn "xuất xứ Việt Nam".

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, quá trình điều tra, Giám đốc CTCP Giám định Đại Minh Việt thừa nhận hành vi phát hành C/O nêu trên là trái quy định của pháp luật. Ngoài việc trực tiếp ký phát hành, giám đốc công ty này còn chỉ đạo 2  Phó giám đốc ký phát hành C/O cho các doanh nghiệp.

CTCP Giám định Đại Minh Việt không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Ảnh minh họa)

CTCP Giám định Đại Minh Việt có được tiếp tay?

Theo hồ sơ tự giới thiệu trên website của CTCP Giám định Đại Minh Việt, doanh nghiệp này được thành lập theo giấy phép số 0303188960 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp ngày 28/04/2003, trụ sở tại TP HCM và chi nhánh tại Hà Nội, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ.

Công ty này đang cung cấp cho khách hàng 4 dịch vụ chính về Giám Định, Khử trùng, Kiểm định và Thẩm định.

Nguồn tin của báo Tiền Phong cho biết, khi được hỏi có hay không việc doanh nghiệp này có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo nào đó trên Bộ Công thương, VCCI nên mới dám làm liều như vậy, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, CTCP Giám định Đại Minh Việt đã tự thiết kế mẫu C/O.

"Hiện Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) – Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự", báo Tiền Phong dẫn lời Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện 1 công ty giám định làm giả giấy chứng nhận xuất xứ C/0. Năm 2015, VCCI cũng phát hiện ra 1 trường hợp tương tự.

Hệ lụy là rất lớn...

Các chuyên gia cho rằng việc làm giấy chứng nhận xuất xử giả rất dễ dẫn đến việc các hàng hóa xuất khẩu bị gắn mác "giả xuất xứ".

Hệ lụy là rất lớn, khi chỉ cần 1 sản phẩm bị dính "vết đen" thì sẽ khiến cả ngành sản xuất của Việt Nam bị liên lụy, không tránh khỏi việc các nước nhập khẩu sẽ khởi xướng các cuộc điều tra với hàng hóa của Việt Nam.

Có nhiều cách thức khác nhau để các doanh nghiệp "mượn" xuất xứ Việt Nam. Ví dụ như chuyển các bộ phận qua Việt Nam, gia công lắp ráp rất ít rồi xuất đi. Hay như gần đây, nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng thâu tóm doanh nghiệp để lấy xuất xứ hàng hóa khi tỉ lệ vốn đăng ký thông qua hình thức mua bán cổ phần liên tục gia tăng thời gian qua.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia hình thức nào đi chăng nữa, thì việc cấp C/O chính là "cửa chặn" cuối cùng để hàng hóa "mượn" xuất xứ Việt Nam ra khỏi lãnh thổ. Do đó, việc xem xét lại quy trình cấp C/O, tăng mạnh biện pháp xử lý là điều cần thiết lúc này.

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến