Giá gạo tăng, nhưng lãi giảm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022. Giá trị xuất khẩu gạo đã đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.
Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến cuối tháng 1/2024, giá gạo 5% tấm của Việt Nam duy trì mức 660,25 USD/tấn, cao hơn so với giá gạo của Ấn Độ, Thái Lan và vẫn tiếp tục đà tăng kéo dài từ cuối năm 2020 tới nay.
Lý giải việc giá gạo Việt Nam cao trong thời gian dài và giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục trong năm 2023, bà Nguyễn Hà Minh Anh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: “Tình hình thời tiết cực đoan tại một số nước xuất khẩu lớn, xu hướng phòng hộ ngành gạo nhằm kiềm chế lạm phát tại một số nguồn cung lớn như Ấn Độ và xung đột địa chính trị khiến nhu cầu dự trữ gạo tăng cao”.
Nhìn vào diễn biến giá cũng như giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục trong năm 2023, nhà đầu tư dễ kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu lúa gạo, nhưng thực tế lại trái ngược.
Tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), quý IV/2023, đơn vị này ghi nhận doanh thu giảm 36,2%, về 1.005,57 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 31,91 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 17,96 tỷ đồng, tức giảm tới 49,87 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 4,3%, về còn 3%.
Lũy kế trong năm 2023, Công ty Trung An ghi nhận doanh thu tăng 18,1%, lên 4.484,75 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại ghi nhận lỗ 19 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 75,2 tỷ đồng, tức giảm tới 94,2 tỷ đồng.
Giải thích việc kinh doanh kém hiệu quả so với năm trước, Công ty Trung An cho biết, do chi phí sản xuất cao hơn so với cùng kỳ.
CTCP Xuất nhập khẩu nông sản - thực phẩm An Giang (Afiex, mã AFX), lợi nhuận năm 2023 cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ. Theo đó, trong năm 2023, doanh thu của Afiex đạt 2.137,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 7,4%, về 26,5 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực quý cuối năm, sau giai đoạn đầu năm gặp khó khăn. Theo đó, quý IV/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 5.819,83 tỷ đồng, tăng 90,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 247,77 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 23,9%, lên 26,2%.
Tuy vậy, luỹ kế trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời dù ghi nhận doanh thu đạt 16.068,6 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận 265,1 tỷ đồng, bằng 74,4% so với cùng kỳ.
Phân tích về thách thức trong năm 2023, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường chịu những khoản lỗ trước tình trạng giá lúa nguyên liệu tăng cao vì các doanh nghiệp này phải giao hàng theo tiến độ đã ký kết như trong các hợp đồng xuất khẩu, mặc dù khi chốt giá bán gạo thì giá lúa vẫn thấp”.
Có thể thấy, mặc dù nhu cầu xuất khẩu và giá gạo tăng cao, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi, có sự phân hóa dựa trên đặc thù ngành, năng lực và hiệu quả vận hành của từng đơn vị.
Kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm 2024, trong khi lượng tồn kho toàn cầu chỉ còn 160 triệu tấn, vì vậy, nhu cầu gạo dự kiến vẫn duy trì mức cao.
Bà Nguyễn Hà Minh Anh cho biết thêm, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, vào nửa cuối năm 2024, giá gạo có thể hạ nhiệt nếu chính phủ Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận có thể không đi cùng với diễn biến thuận lợi của xuất khẩu gạo, do giá thu mua lúa gạo vẫn đang ở mức cao và quy trình mua bán gạo từ người nông dân - doanh nghiệp - người tiêu dùng thường qua nhiều bên trung gian.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời tỏ ra thận trọng khi chia sẻ về kế hoạch kinh doanh: “Năm 2024, do không biết trước các động thái của Ấn Độ đối với việc có tiếp tục thực hiện lệnh cấm xuất khẩu hay không, các doanh nghiệp không dám giữ lượng tồn kho lớn, thay vào đó, duy trì hình thức mua nhanh, bán nhanh”.
Một tin vui là ngày 30/1/2024, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng gói thầu hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu cho Berum Bulog, cơ quan hậu cần của Indonesia. Cùng với đó, Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Philippines về hợp tác thương mại gạo được ký kết. Những con số này thể hiện triển vọng tích cực của xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm 2024.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2024 vẫn là một năm đáng chờ đợi đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo khi nhu cầu tiếp tục duy trì và mặt bằng giá xuất khẩu được kỳ vọng neo ở vùng giá cao.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy