10 nghị định về Biểu thuế NK ưu đãi
Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế- Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã và đang đàm phán hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó có 12 hiệp định ký kết, đã có 10 hiệp định đã có hiệu lực.
Mỗi hiệp định có biểu thuế quan về ưu đãi thuế đặc biệt. Để thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và thực hiện Luật Hải quan, đồng thời để tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế NK trong các Hiệp định Thương mại tự do trong các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định về Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện lộ trình cam kết thuế quan trong giai đoạn 2018-2022/2023.
Việc ban hành các Nghị định này nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp, bổ sung quy định về thuế suất thuế NK trong và ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo Vụ hợp tác quốc tế, đối với hàng hóa NK áp dụng hạn ngạch thuế quan thì mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa NK trong hạn ngạch thuế quan được chi tiết tại Biểu thuế kèm theo các Nghị định. Mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm NK. Số lượng NK hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương.
Đồng thời, quy định cụ thể về 4 điều kiện áp dụng thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt là: Hàng hóa thuộc Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định; được NK từ các nước là thành viên của Hiệp định vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ nước XK vào Việt Nam; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo quy định hiện hành của pháp luật.
Các Nghị định này cũng bổ sung quy định về các chú giải và quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa thực hiện theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu
Theo các đại biểu tại hội thảo, thực hiện các cam kết thuế quan của Việt Nam tại các Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường XNK, đặc biệt là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu.
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Việt Nam có kim ngạch thương mại tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua. Năm 2017, tổng kim ngạch XNK đạt 425 tỷ USD, trong đó xuất siêu hơn 3 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2018, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam đạt 266 tỷ USD, vượt tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả năm 2013 (264 tỷ USD). Những con số trên cho thấy, quy mô nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh, trong đó các cam kết thực hiện các hiệp định đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống, đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu mới được phát triển.
Nhận định về cơ hội xuất khẩu đối với Việt Nam khi thực hiện cam kết thuế của các đối tác trong các FTA, bà Trần Sơn Trà, Vụ chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết từ năm 1996 đến năm 2018.
Trong quá trình thực hiện các hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Chỉ tính riêng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng 6,8 lần so với tốc độ 10%/năm trong giai đoạn 1996-2016. Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn. Trước đây củ yếu là gạo và dầu thô, hiện nay phần nhiều lại là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, dầu thô, dệt may…
Theo bà Trà, khi thực hiện hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế, thương mại, đa dạng hóa thị trường XNK, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của World Bank, xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới sẽ tăng thêm 4,2% nếu các điều kiện kinh tế căn bản được giữ nguyên và tăng 6,9% vào năm 2030. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2030 sẽ đạt trên 311 tỷ USD; Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt 8,31 tỷ USD, dự kiến năm 2018 sẽ đạt 9 tỷ USD.
Theo ông Nam, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do có nhiều cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, Hiệp định CPTPP đối với sản phẩm sơ chế (mã HS 03) xóa bỏ ngay và sau 2-3 năm; sản phẩm chế biến giảm theo lô trình 5-10-15 năm.
Để tận dụng các cơ hội, các doanh nghiệp thủy sản cần nắm vững các cam kết của Việt Nam trong các FTA; thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn; nâng cao sức cạnh tranh của doanh ngiệp và sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng và kỹ thuật của các FTA…
Theo báo Hải quan