Dòng sự kiện:
Có nên 'đu đeo' theo 'sell in May'?
25/05/2021 12:06:42
Thị trường chứng khoán (TTCK) đã đi gần hết tháng 5 và câu thành ngữ “Sell in May” (bán tháng 5) dường như không còn đúng với Việt Nam.

VN-Index từ đầu tháng 5 đến nay tăng khoảng 3,1%, thậm chí chỉ số VN30-Index tăng 8,6%. Phải chăng TTCK Việt Nam “không có quy luật”?

Ảnh minh họa.

Một lịch sử không rõ ràng

Khi chứng minh tính quy luật, không có gì dễ hơn là nhìn vào quá khứ. Trên TTCK có một giả định thường được sử dụng, là nếu đúng trong quá khứ thì rất có tiềm năng đúng trong tương lai. Các phương pháp phân tích kỹ thuật TTCK hay phân tích sóng cũng như xác định ngưỡng kháng cự, hỗ trợ đều dựa trên giả định này.

Nhưng đối với VN Index, quả thực lịch sử đã không rõ ràng cho hiện tượng “sell in May”, theo nghĩa rằng chỉ số (được sử dụng với hàm ý đại diện thị trường chung) sụt giảm trong tháng 5.

Thực vậy, tháng 5-2021 hiện tại chỉ số đang tăng 3,1%. Tháng 5-2020 chỉ số tăng 12,4%. Tháng 5-2019 chỉ số giảm 3%. Tháng 5-2018 chỉ số giảm 7,5%. Tháng 5-2017 chỉ số tăng 2,8%.

Tháng 5-2016 chỉ số tăng 3,4%. Tháng 5-2015 chỉ số tăng 1,3%. Tháng 5-2014 chỉ số giảm 2,8%. Tháng 5-2013 chỉ số tăng 9,2%. Tháng 5-2012 chỉ số giảm 9,4%. Tháng 5-2011 chỉ số giảm 12,2%.

Tháng 5-2010 chỉ số giảm 6,4%. Tháng 5-2009 chỉ số tăng 28%. Tháng 5-2008 chỉ số giảm 20,7%. Tháng 5-2007 tăng 17,1%. Tháng 5-2006 giảm 9,5%.

Trước thời gian 2006 thị trường quá nhỏ để có thể đảm bảo tính quy luật.

Như vậy trong 16 năm qua, có 8 năm VN Index tăng trong tháng 5. Từ góc độ xác suất, như vậy 50% khả năng chỉ số tăng trong tháng 5, một tỷ lệ không đủ khác biệt để nói rằng TTCK Việt Nam thường giảm hay tăng trong tháng 5.

Thực ra thành ngữ “sell in May” được du nhập từ bên ngoài, và không hề có ý nghĩa cụ thể rằng hãy bán cổ phiếu (CP) vào tháng 5, thậm chí ban đầu chỉ là câu ngạn ngữ tiếng Anh không liên quan gì đến TTCK, mà chỉ hàm ý tránh các tháng nóng trong năm bằng một kỳ nghỉ.

Và khi được giới đầu tư “nhập khẩu” thành ngữ này và biến nó thành một “khẩu quyết” của chiến lược giao dịch chứng khoán, cũng không hề có ý nghĩa rằng phải bán CP vào tháng 5 hay TTCK sẽ giảm trong tháng 5.

Trong cuốn Stock Trader’s Almanac, giải thích chiến lược giao dịch “Sell in May” nghĩa là một chiến lược đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, để tránh một chu kỳ tăng trưởng kém hơn bình quân. Chiến lược này dựa trên thống kê rằng quãng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, chỉ số DJIA bình quân giai đoạn 1950-2013 chỉ tăng trưởng 0,3%. Trong khi giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tăng trưởng bình quân là 7,5%.

Như vậy nếu chỉ hiểu đúng “nghĩa đen” của thuật ngữ, rằng nên bán CP vào tháng 5 thì đó là cách hiểu quá đơn giản, nếu không muốn nói rằng giống như hiểu câu “đau bụng uống nhân sâm”!

Mặt khác, việc thống kê xác suất là một chỉ báo kém tin cậy, vì mẫu khảo sát thay đổi theo thời gian. Thí dụ với TTCK Việt Nam mới thống kê ở trên, nếu tháng 5-2022 chỉ số VN Index giảm, thì kết quả thống kê xác suất đến 2022 sẽ lại cho một kịch bản nghiêng về phía giảm (lớn hơn 50%) và ngược lại. Khi bổ sung các năm kế tiếp, kết quả sẽ lại biến đổi. Một sự thay đổi như vậy là không đảm bảo độ tin cậy.

Mặt khác, tính chu kỳ của thị trường không đơn giản chỉ là việc tính toán mức tăng giảm của chỉ số hàng tháng. Trong một chu kỳ tăng trưởng mạnh dài hạn thì có thể 2-3 năm liên tiếp thị trường tăng trong tháng 5 và ngược lại.

Gần nhất là chu kỳ tăng 2016-2017, các tháng 5 trong 2 năm này thị trường đều tăng, thậm chí đà tăng chung kéo dài nhiều tháng liên tục. Do đó nếu nhìn từ góc độ của các lý thuyết chu kỳ, thí dụ lý thuyết Dow hay sóng Elliott, thì hoàn toàn không quan tâm đến yếu tố “sell in May”.

Tính hiệu quả trong giao dịch

Nếu hiểu sát nghĩa hơn về câu ngạn ngữ “sell in May” thì hoàn toàn có tính ứng dụng nhất định trong giao dịch trên TTCK Việt Nam. Điều đầu tiên là trường phái đầu tư dài hạn hay ngắn hạn.

Trường phái đầu tư dài hạn đóng vai trò quyết định việc có cần quan tâm đến “sell in May” hay không. Với một nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ năm này qua tháng khác, thậm chí còn không nhìn bảng điện, thì biến động ngắn hạn một vài tháng không có ý nghĩa, và việc có cần “sell in May” hay không càng nên bỏ qua.

Thứ hai là “sell in May” nếu hiểu đúng không có nghĩa là phải bán hết CP trong tháng 5 và rời bỏ thị trường. Ý nghĩa hợp lý hơn là NĐT nên cân nhắc cơ hội đầu tư có xứng đáng hay không. Hay như chiến lược được giải thích trong cuốn Stock Trader’s Almanac, rằng nên cân nhắc việc xuống tiền nếu cơ hội lợi nhuận trung bình không vượt qua được lãi suất tiết kiệm 12 tháng.

Điều này quan trọng đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn, vốn thường chỉ nắm giữ vài tuần tới vài tháng một CP nào đó và khoản đầu cơ cần tăng trưởng, chứ không phải chôn vốn tại chỗ và dĩ nhiên càng không nên để lỗ mà biến thành đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.

Thị trường trong điều kiện bình thường thì tháng 4 và đầu tháng 5 hay có các yếu tố hỗ trợ liên quan đến kết quả kinh doanh quý I hàng năm. Vì vậy giá CP thường tăng sớm do được đầu cơ thông tin. Khi thị trường bước vào nửa sau tháng 5, yếu tố thông tin yếu đi, giá CP đã tăng tốt, NĐT có thể chốt lời vì mục đích ban đầu là đầu cơ ngắn hạn.

Nếu hiểu câu “sell in May” theo nghĩa cơ hội “ngon ăn hay không” thì rất dễ nhớ đối với các nhà đầu cơ. Cơ hội ở đây là với CP chứ không phải với chỉ số. Việc thống kê VN Index tăng hay giảm trong tháng 5 không có ý nghĩa gì cả.

Lấy thí dụ từ tháng 4 đến hiện tại (20-5), thống kê với 259 CP thuộc rổ VNAllshare trên sàn HoSE (rổ CP bao gồm 3 nhóm chính là VN30, Midcap và Smallcap) thì đại đa số CP đã có đỉnh đâu đó trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và những tuần qua giá đang sụt giảm.

Thống kê có tới 157/259 CP đã giảm so với đỉnh từ 10% trở lên, tỷ lệ khoảng 61%. Nếu giảm mức lỗ xuống 5% thì con số vọt lên 198 mã, tỷ lệ khoảng 76%. Nếu mức lỗ từ 3% - tỷ lệ rất nhiều nhà đầu cơ còn cắn răng chịu - con số lên 218 mã, tương đương hơn 84%.

Tác giả: Nguyên Hà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến