Dòng sự kiện:
Có nên tăng mức xử phạt đối với người sử dụng rượu bia, chất ma túy khi lái xe?
22/01/2019 16:04:50
Hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng cướp đi mạng sống của những nạn nhân vô tội do rượu bia, chất ma túy... gây ra khiến nhiều ý kiến cho rằng, phải xử lý hình sự các trường hợp sử dụng chất kích thích.

Hậu quả khôn lường từ những chất kích thích

Chỉ vài tháng qua, rất nhiều vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất gây nghiện... đã để lại những hậu quả rất đau lòng.

Những ngày đầu năm 2019 (ngày 2/1), người dân cả nước bàng hoàng trước vụ tai nạn xe container lao vào đoàn người dừng đèn đỏ tại khu vực ngã tư Nhựt Chánh (Bến Lức - Long An) khiến 6 người chết, 14 người bị thương...

Đáng nói, tài xế xe container đã sử dụng chất cấm (dương tính với chất ma túy) khi điều khiển phương tiện và để xảy ra tai nạn.

Mới đây nhất, ngày hôm qua (21/1), lại một vụ tai nạn thảm khốc nữa xảy ra trên QL5, đoạn qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương khiến 8 nạn nhân chết thảm. Tài xế gây ra sự việc cũng được xác định dương tính với chất ma túy.

 

Vụ tai nạn thảm khốc tại Hải Dương ngày 21/1 khiến 8 người tử vong.

Trước đó, đầu năm 2016, xe ô tô Camry mang BKS: 29A - 866.23 lưu thông trên phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đã bất ngờ tăng tốc đâm vào nhiều xe máy phía trước khiến 3 người tử vong. Tài xế gây tai nạn được xác định đã uống rượu ở quán cháo lòng...

Đây chỉ là 3 trong rất nhiều vụ tai nạn để lại những hậu quả đau lòng mà nguyên nhân là do các tài xế đều đã sử dụng những chất cấm (rượu bia, ma túy...) khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đã đến lúc phải hình sự hóa?

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, có đến 40% số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn và ma túy gây ra.

Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đã có quy định xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, chất ma túy. Tuy nhiên, mức phạt chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

“Nhiều người biết việc sử dụng rượu, bia là vi phạm, nhưng phần lớn do vẫn tin tưởng mình đủ khả năng lái xe tuy nhiên thực tế khi đó lái xe đã mất kiểm soát, xử lý tình huống chậm. Khi không còn tỉnh táo, họ sẽ không thấy tác hại và hậu quả của việc lái xe. Hiện, chế tài xử phạt của chúng ta còn quá nhẹ, trong khi ở nhiều nước, hành vi lái xe có sử dụng rượu bia sẽ bị truy tố hình sự”, ông Liên nêu quan điểm.

Luật sư Lê Văn Kiên, trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho hay: Tại Điều 8, Luật GTĐB quy định, cấm người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia và chất kích thích... Người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia và chất kích thích dẫn đến TNGT cũng là tình tiết tăng nặng, nếu nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự, được quy định rất cụ thể tại Điều 260, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, luật sư Kiên nhận định: “Đó chỉ là khi người lái xe đã uống rượu bia gây tai nạn, gây ra hậu quả. Còn nếu chưa xảy ra tai nạn, chưa gây hậu quả, họ chỉ bị xử phạt hành chính.”

Luật sư Kiên cho rằng, tại Nghị định số 46 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTĐB đang áp dụng mức phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trên 0,4 miligam/lít khí thở cũng chỉ từ 16-18 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe. “Quá trình sửa đổi bổ sung Nghị định 46, cần tăng mức xử phạt hành chính đối với người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia và chất kích thích thì mới đủ sức răn đe", luật sư Kiên nói.

Về vấn đề này, bà Bùi Thị An, Ủy viên Quốc hội khóa XIII nhìn nhận sự việc một cách tổng thể: “Thời gian gần đây có hàng loạt vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích. Nhiều cử tr từng nêu quan điểm với tôi, với những trường hợp như vậy, phải truy trách nhiệm những đơn vị đã cấp bằng cho tài xế gây tai nạn. Đồng thời, ông chủ đã thuê tài xế đó cũng phải có trách nhiệm liên đới.”

Bà An đề xuất: Nghiên cứu luật của một số nước trên thế giới cho thấy, những hành vi vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia, chất ma túy... bị xử phạt rất nặng, ngoài phạt tiền, còn có cả phạt tù. Thậm chí, ở nhiều nước, đối với những người lái xe kinh doanh vận tải, khi cảnh sát phát hiện tài xế sử dụng rượu bia sẽ bị tước bằng, phạt tiền và cấm hành nghề đến 5 năm.

“Nếu những chế tài xử lý đủ sức răn đe tôi tin ý thức của người tham gia giao thông sẽ được cải thiện. Lấy ví dụ về việc đội mũ bảo hiểm, trước khi việc đội mũ được quy định thành luật, có mấy ai chấp hành việc đó dù nó bảo vệ trực tiếp tới tính mạng của họ. Nhưng khi quy định đã được ban hành thành luật, ý thức của người dân đã được cải thiện rõ ràng”, bà An cho biết.

Đề cập vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia chưa đề xuất hình sự hóa hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, cá nhân ông ủng hộ tiếp tục duy trì chế tài mạnh, xử phạt bổ sung, như lao động công ích, hoặc phải học lại mới trả bằng lái đối với các đối tượng vi phạm.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến